Ước mơ thổ cẩm
Mỗi lần rảnh rỗi, Y Viên thường đến nhà mẹ Y Chrứt chơi, để được ngắm mẹ dệt thổ cẩm, để được nghe mẹ kể về thổ cẩm. Có lần mẹ phàn nàn buồn vì người trẻ nói thích thổ cẩm nhưng lại ngại học dệt, Y Viên nhột ran, thấy trong “người trẻ” đó có mình.
Từ nhỏ, Y Viên đã yêu những tấm thổ cẩm, yêu váy áo may bằng thổ cẩm. Trong khi những chị em trong nhà, trong làng chỉ thích váy, áo rực rỡ mua ngoài phố, thì cô chết mê chết mệt với thổ cẩm.
Cô có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ xem mẹ Y Chrứt dệt vải; háo hức nghe mẹ nói chuyện nghề dệt. Cô cũng có thể bỏ cả buổi trưa để ngồi ngắm những tấm thổ cẩm phơi trên bờ rào, dập dờn như đàn bướm.
Những lần mẹ nói mới dệt xong một tấm vải, cô hớn hở chạy sang, hớn hở nâng niu, hít hà như chính mình dệt nên vậy.
Nhưng buồn thay, cô Y Viên không biết dệt.
Mỗi khi mẹ Y Chrứt hướng dẫn cách kéo sợi, luồn thoi, cô kêu biết rồi, nhưng bảo làm thử thì lóng ngóng, quên gần hết. Mỗi khi cô khen hoa văn đẹp, màu đẹp, mẹ Y Chrứt hỏi cách nhuộm màu, cô lại ngắc ngứ, không gọi đúng tên loại củ, loại lá nào làm nên màu sắc ấy.
Mẹ Y Chrứt thì khác. Con gái Ba Na vốn chăm chỉ và khéo léo, dệt vải hay ủ rượu cần đều giỏi, nhưng giỏi nhất vẫn là dệt thổ cẩm. Từ khi mới 15 tuổi, mẹ đã biết dệt, biết, tìm kiếm lá, rễ cây rừng để nhuộm màu sao cho đẹp, cho bền. Bây giờ, hơn tám mươi tuổi, mẹ vẫn dệt.
Cũng chẳng biết từ bao giờ, dệt thổ cẩm trở thành tiêu chuẩn hàng đầu để các chàng trai chọn vợ; cô nào dệt nhanh, dệt đẹp sẽ có nhiều chàng trai theo đuổi.
Ngày xưa, để học nghề, phải đi tước từng sợi chỉ trong thân cây chuối ra để dệt thử; đến khi dệt thành công, mẹ mới cho tiền mua chỉ để dệt. Lớn lên, lấy chồng, mặc dù bận bịu với việc chăm con cái, ruộng rẫy, nhưng tối về lại ngồi bên khung dệt miệt mài dệt.
Ngày xưa, như bao phụ nữ Ba Na khác, mẹ chỉ dệt vải may quần áo cho mình và cho người nhà. Từ khi du lịch phát triển, thì thổ cẩm trở thành hàng hóa. Các mặt hàng làm từ thổ cẩm cũng phong phú hơn: Khăn, áo, ba lô, ví, túi xách, mũ, giày…
Việc dệt tấm vải đủ may một cái áo, hoặc váy là cả quá trình lao động công phu và tỉ mỉ, mất từ 30 – 35 ngày (hoặc có thể lâu hơn). Dệt xong tấm đắp cũng mất vài ngày; một áo khoác cho chồng, cho con trai cũng mất đến 2 ngày dệt không ngơi nghỉ.
Khó nhất, kỳ công nhất là khâu bắt hoa văn, họa tiết. Ở phần họa tiết, mỗi sợi chỉ ép vào khung dệt là một màu khác nhau để làm thành những biểu tượng sông, núi, cây, lá đối xứng nhau… như một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ mang cả sắc thái văn hóa, tâm hồn người Ba Na, đòi hỏi người dệt phải thật tỉ mỉ, khéo léo.
Phải chăng vì Y Viên đã không đủ kiên nhẫn ngồi bên khung cửi nên cô không học dệt được?
|
Dù vậy, Y Viên yêu thổ cẩm, mê mẩn bởi những hoa văn tinh tế trên thổ cẩm và cảm thấy xót xa khi nghề dệt thổ cẩm đang dần trở nên mờ nhạt trong đời sống.
Tình yêu ấy thúc giục cô gìn giữ thổ cẩm của người Ba Na theo một cách khác. Sau thời gian dài ấp ủ, cô và mấy người bạn của mình đã mở một cửa hàng bán thổ cẩm và các sản phẩm từ thổ cẩm.
Ý tưởng mở cửa hàng xuất phát từ một lần cô nhìn thấy cụ bà chào bán những mặt hàng làm từ thổ cẩm cho khách du lịch.
Cầm trên tay xấp thổ cẩm mới dệt, bà lần dở từng tấm giới thiệu cho khách. Nhưng xem ra người mua không mấy mặn mà. Họ lật đi lật lại rồi lẳng lặng rời đi.
Sau này Y Viên kể rằng, chưa bao giờ cô thấy xót xa cho thổ cẩm đến vậy. Một ý nghĩ táo bạo cứ lớn dậy trong đầu cô: Mở cửa hàng bán thổ cẩm và sản phẩm từ thổ cẩm.
Sau thời gian dài chuẩn bị, một gian hàng nhỏ xinh xuất hiện ở gần cầu treo Kon Klor, thu hút ánh nhìn của mọi người bởi những bộ váy áo thổ cẩm nền nã, nhiều màu sắc.
Không chỉ mở cửa hàng, Y Viên còn quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm qua mạng xã hội. Lượng hàng tiêu thụ ngày càng tăng; khách hàng từ các tỉnh, thành phố khác đặt hàng nhiều.
Cứ thế, ngày qua ngày, Y Viên lặng lẽ đồng hành với mẹ Y Chrứt, với nhiều chị em khác, vực lại nghề dệt, đem lại sức sống mới cho thổ cẩm Ba Na.
Bên cạnh đó, cô cũng vận động dân làng mình dệt và sử dụng thổ cẩm để may váy áo mặc hàng ngày, bắt đầu từ thanh niên. Dù khởi động đầy khó khăn, nhưng với sự giúp sức của người già, cô cũng đã có những kết quả bước đầu.
Theo cô, cách bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tốt nhất là làm sao để nó tồn tại thực sự trong chính cộng đồng của mình. Làm sao để mỗi thành viên trong một gia đình đều có, từ chiếc khăn cõng con, tấm chăn đắp đến bộ quần áo mặc mỗi ngày.
Nếu ngay cả “người mình” còn “nói không” với thổ cẩm; trong làng hiếm khi thấy người mặc váy áo thổ cẩm; trên dây phơi toàn quần áo hiện đại thì nói gì đến gìn giữ nghề dệt nữa- cô chia sẻ với mẹ Y Chrứt.
Y Viên ước đến một ngày, chỉ cần bước vào bất kỳ làng nào, đều sẽ được nghe tiếng lách cách của khung cửi dệt vải; được nhìn đôi tay của các mẹ, các chị mềm mại, uyển chuyển xe sợi, kéo chỉ dệt vải; được ngắm những bộ váy áo phơi trên dây như đàn bước dập dờn trước gió.
Cô tin rằng, trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người phụ nữ Ba Na luôn có một tình yêu kỳ lạ với thổ cẩm. Tình yêu ấy giống như than hồng, cứ lặng lẽ, bền bỉ nép mình chờ đến lúc bùng cháy.
Và khi ấy, ước mơ của cô sẽ thành hiện thực!
THÀNH HƯNG