Trải nghiệm văn hóa dân tộc - Dấu ấn đầu Xuân
Mỗi năm một lần, Hội báo Xuân - nơi gặp gỡ của những người làm báo trong tỉnh - lại đến. Lần này, sau một năm đứt quãng vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Hội báo đã trở lại trong niềm hân hoan của mọi người với chủ đề: “Trải nghiệm văn hóa truyền thống”.
Hội Báo Xuân Nhâm Dần 2022 được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và diễn ra thành công tốt đẹp. Đó là kết quả phối hợp chặt chẽ của Hội Nhà báo tỉnh với Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành liên quan cùng với sự tham gia tích cực của Bảo tàng tỉnh. Càng ý nghĩa hơn, khi hoạt động này còn cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy khóa XVI về “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng năm 2030”.
Sau lễ khai mạc Hội báo Xuân Nhâm Dần, các đại biểu được tham quan, trải nghiệm tại địa điểm nhà sàn lớn và khu vực trung tâm của Bảo tàng tỉnh. Trong đó, nội dung trưng bày, giới thiệu báo Xuân khá đa dạng, phong phú với các ấn phẩm mừng Xuân mới Nhâm Dần của Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đặc san của các Hội đoàn thể, các sở, ngành. Khu vực trải nghiệm các nghề truyền thống được bố trí hợp lý, bắt mắt.
|
Các nghệ nhân và mọi người đến tham quan, trải nghiệm đều thực hiện nghiêm túc quy định 5K. Dưới lớp khẩu trang kín đáo, ánh mắt mọi người ngời sáng. Cùng góp mặt trong hoạt động khám phá, trải nghiệm nét đẹp các nghề truyền thống là các nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, nghề gốm truyền thống. Bên cạnh đó, nét đẹp ẩm thực dân tộc cũng góp mặt với trải nghiệm làm bánh coát của đồng bào Giẻ Triêng, làm bánh sắn của đồng bào Xơ Đăng.
Ở gian trưng bày, giới thiệu từ khu vực cửa chính nhà sàn bước vào, chúng tôi đã nhận ra ngay “người quen” là nghệ nhân Y Rưa cùng các chị dệt thổ cẩm đến từ thôn Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy). Sau hơn 2 năm kể từ Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ 4 (tháng 12/2018), tôi mới có dịp gặp lại họ. Vẫn là 3 nghệ nhân “kỳ cựu” với khung cửi, song thay cho sự vắng mặt nghệ nhân Y Che, lần này là nghệ nhân Y Thông. 60 tuổi, chị Y Thông thuộc thế hệ nghệ nhân thổ cẩm “đầu đàn” cùng với chị Y Rưa.
Lần này, tham gia giới thiệu nghề truyền thống, làng Rờ Kơi còn có nghệ nhân ưu tú A Đeng. Lần đầu tiên đến với Hội Báo Xuân, nghệ nhân đa tài này dành tâm huyết giới thiệu về nghề đan lát truyền thống. Say sưa với việc đan gùi thưa và chiếc giỏ mây để bảo quản cồng chiêng, ông còn tỷ mẩn hướng dẫn các khách tham quan nhỏ tuổi cách đan từng tấm phên nan đơn giản nhất.
Cùng tham gia giới thiệu nét đẹp đan lát truyền thống lần này, nghệ nhân A Đai đến từ xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) không giấu được niềm vui mừng, hào hứng. 60 tuổi, ông đã có kinh nghiệm 45 năm miệt mài cùng với nứa tre. Sản phẩm được chọn giới thiệu tại Hội Báo Xuân lần này chính là chiếc gùi dày (đul) truyền thống của người Xơ Đăng (nhánh Xơ Teng). Chăm chú với từng sợi nan, ông nhiệt tình chia sẻ về sự giản dị song vô cùng độc đáo trong đan lát của người Xơ Teng, mà nổi bật là kỹ thuật đan hoa văn, kỹ năng nhuộm sợi nan màu đen bằng khói xà nu (cây thông).
|
Không ít lần vinh dự được tham gia, giới thiệu nét đẹp văn hóa của người Triêng (dân tộc Giẻ Triêng) tại các sự kiện văn hóa-du lịch do tỉnh, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch tổ chức, lần nào, nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ ở làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) cũng cố gắng để có thể lần lượt giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo khác nhau của dân tộc. Già càng vui và tự hào hơn khi “vốn liếng” về văn hóa dân tộc nói chung, vốn quý chế tác, sử dụng các nhạc cụ dân tộc nói riêng của mình luôn được quan tâm tìm hiểu. Lần này, ông “giữ chân” mọi người bằng việc chế tác và biểu diễn mô bin - một loại đàn đơn sơ, phổ biến và đàn oc eng ót một dây độc đáo, với những giai điệu êm dịu.
Dấu ấn tại Hội Báo Xuân “Trải nghiệm văn hóa truyền thống” năm Nhâm Dần 2022, không thể không kể đến nghệ nhân ưu tú Y Pư giới thiệu làm gốm thủ công của đồng bào Ba Na (nhánh Jơ Lâng); nhóm các chị em Y Bất, Y Biết, Y Út giới thiệu cách làm bánh coát bằng lá đót của đồng bào Giẻ Triêng; hai chị em Y Hiền, Y Thảo ở làng Đăk Manh 1 (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) với món bánh củ mì (bánh pôm) dân dã mà vô cùng ngon lành. Hai gian giới thiệu để “trải nghiệm bánh” được bố trí ở hai đầu nhà sàn dài với bếp lửa ấm áp là “điểm đến” hấp dẫn, để lại cho mọi người cảm nhận gần gũi, khó quên khi được tận mắt chứng kiến từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến các công đoạn chế biến (luộc hay hấp bánh) và thưởng thức sản phẩm. Y Hiền, Y Út bảo rằng không ngờ món bánh dân dã của làng lại được yêu thích quá. Bánh làm ra đến đâu, “hút hàng” đến đấy.
Đem đến cho mọi người không khí vui tươi, phấn khởi mang đậm bản sắc dân tộc là dấu ấn để lại của Hội Báo Xuân Nhâm Dần. Hoạt động không chỉ được sự quan tâm của những người làm báo, mà còn thu hút đông đảo các bạn trẻ và người dân yêu văn hóa dân tộc, thích khám phá, ưa trải nghiệm.
Những ngày Hội báo Xuân ngắn ngủi qua đi, các nghệ nhân bịn rịn chia tay, để lại trong lòng tình cảm và ấn tượng đẹp. Ở đây, họ cùng mọi người được sống trong không gian gần gũi, đầm ấm, chan hòa tình làng nghĩa xóm; được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau vì nỗ lực giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Khám phá nét đẹp văn hóa dân tộc, trải nghiệm dấu ấn đầu Xuân cũng là dịp để các nhà báo thu thập, lưu giữ tư liệu cho những bài viết mới.
Thanh Như