Thay đổi tư duy và nhận thức là điều kiện tiên quyết
Sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội đã có tác động tới sự đổi thay về nhận thức văn hóa cộng đồng, bản sắc văn hóa của từng tộc người. Bảo tồn, duy trì, phát triển những phong tục truyền thống, những giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng, loại bỏ những hủ tục, những phong tục không còn phù hợp với tiến trình phát triển là hết sức cần thiết.
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 385/QĐ - UBND ban hành danh mục các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh. Danh mục nêu rõ định hướng tuyên truyền và giải pháp khắc phục đối với các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Trong 6 hủ tục thì có 5 hủ tục xóa bỏ hoàn toàn, 1 hủ tục (tảo hôn) tăng cường giáo dục để dần dần xóa bỏ hoàn toàn. Trong 8 phong tục không còn phù hợp có 7 phong tục tiến hành xóa bỏ một số yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực, xóa bỏ một phần, 1 phong tục (ngủ “đầm” (rẫy)) xóa bỏ hoàn toàn.
Thực tế cho thấy những hủ tục, những phong tục không còn phù hợp mà Quyết định 385 của UBND tỉnh chỉ ra có từ lâu đời, gắn liền với nếp sống, sinh hoạt của các dân tộc. Đời ông, đời cha, lại đến đời con, đời cháu, thế hệ sau cứ thế nối theo thế hệ trước. Những phong tục tốt đẹp và cả những hủ tục, những phong tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại trở thành nếp sống ở các cộng đồng làng, nếu không được tuyên truyền, vận động, được chỉ ra những yếu tố tiêu cực, lạc hậu thì có lẽ chính bà con cũng khó nhận ra để mà thay đổi.
Lấy đơn cử từ chuyện ăn uống (chủ yếu là uống rượu) kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội. Việc tập trung ăn uống giao lưu, cộng cảm thuộc về phong tục, tập quán của nhiều dân tộc, có tính nhân văn, cần duy trì; tuy nhiên điều đáng quan tâm và cần kiên quyết xóa bỏ chính là tình trạng kéo dài nhiều ngày, say sưa, lãng phí, ảnh hưởng nặng nề đến thời gian, tiền bạc, của cải, sức khỏe, an ninh trật tự cộng đồng. Còn nhớ trong một lần chúng tôi đến làng Cheo Leo, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) để tìm hiểu về Tết ăn con dúi của người Jơ Lâng (một nhánh của người Ba Na). Dù lễ hội đã chính thức diễn ra vào ngày hôm trước nhưng… dư âm của rượu thì vẫn còn thấy rõ. Ngoài đường, người thì chân nam đá chân chiêu; trong nhà, dù có người đứng không vững hoặc say nằm ngủ ngay gần bên thì những người khác vẫn liên tục uống. Và một thực tế ai cũng thấy rõ, nếu “phong trào” rượu chè đi lên thì đà làm ăn lại đi xuống. Vin vào lễ hội, ma chay, cưới hỏi, đắm chìm trong ăn uống, say sưa từ hôm nọ sang hôm kia, nhiều người bỏ bê chuyện làm ăn, thậm chí là đã có không ít chuyện “sứt đầu, mẻ trán” từ những lần ăn uống kéo dài. Vậy là những phận đời cứ thế mà trôi đi trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu.
Không chỉ ăn uống kéo dài, lạm dụng rượu trong các lễ hội, ma chay, cưới hỏi, một thực trạng nữa tồn tại ở nhiều làng dân tộc thiểu số chính là sinh nhiều con, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các giải pháp hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từng bước được đẩy lùi, nhưng vẫn chưa triệt để. Nơi này, nơi kia vẫn xảy ra những câu chuyện các em mới 15, 16 tuổi bỏ học, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Nên vợ nên chồng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, những hủ tục này kéo dài “những lời ru thêm buồn”: thất học, đói nghèo, lạc hậu, bệnh tật, chất lượng thế hệ kế tiếp thấp, mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống…
|
Với 43 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 53% dân số toàn tỉnh, có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ đã tạo nên những giá trị văn hóa vừa phong phú, đa dạng, vừa đặc sắc thể hiện ở các loại hình: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.... Những giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp luôn được các cấp, các ngành và lớp lớp thế hệ các dân tộc thiểu số gìn giữ, bảo tồn, phát huy.
Tuy nhiên, cùng với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa của các dân tộc thì những phong tục lạc hậu, những điểm không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội như: mất vệ sinh môi trường (thả rông gia súc, gia cầm), mê tín dị đoan (thuốc thư, cúng ốm đau và khấn cầu thần linh, kiêng cữ cái chết xấu...), vi phạm các quy định pháp luật (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống), lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất (cúng ốm đau và khấn cầu thần linh, nợ miệng, ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội)... cần sớm được loại bỏ.
Mỗi dân tộc có những nét văn hóa khác nhau nhưng đều có điểm chung là cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn thuần phong mỹ tục. Phát huy cái hay, cái đẹp, xóa bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp chính là tuân theo quy luật của sự vận động, phát triển, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bởi vậy, Chỉ thị 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh và Quyết định 385/QĐ-UBND của UBND tỉnh là cơ sở thống nhất chung để các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng chung tay góp sức thực hiện.
Vấn đề là những hủ tục, những phong tục không còn phù hợp vốn ăn sâu, bám rễ trong nhận thức, trong đời sống của nhiều thế hệ nên việc xóa bỏ không phải là chuyện của ngày một, ngày hai. Trong nhiều công việc phải triển khai, thì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy và nhận thức của chính bà con luôn là điều kiện tiên quyết.
Nguyên Phúc