Phục dựng nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng
Một trong những sự kiện ấn tượng, độc đáo, cuốn hút nhiều du khách khi đến tham quan không gian trưng bày Di sản văn hóa trong Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 diễn ra tại Bảo tàng tỉnh là việc phục dựng nghề rèn bằng bể da thú của người Xơ Đăng. Đây là nghề truyền thống nổi tiếng của đồng bào Xơ Đăng nhánh Tơ Đrá nhưng đã bị mai một từ rất lâu và hiện nay còn rất ít nghệ nhân biết đến.
Dân tộc Xơ Đăng ở Kon Tum hiện nay có 7 nhánh chính là Xơ Teng, Ca Dong, Mơ Nâm, Tơ Đrá, Hà Lăng, Châu, Tà Trĩ phân bố trên khắp địa bàn tỉnh.
Mỗi nhánh có những ưu thế riêng về điều kiện tự nhiên và địa bàn cư trú. Chính vì lẽ đó mà mỗi nhánh của người Xơ Đăng có các nghề truyền thống nổi tiếng khác nhau, ví như người Xơ Đăng - Xơ Teng giỏi nghề dệt vải, người Xơ Đăng - Hà Lăng giỏi nghề đãi vàng, người Xơ Đăng - Tơ Đrá nổi tiếng với nghề rèn từ bao đời nay…
Người Xơ Đăng - Tơ Đrá ở Kon Tum hiện nay có khoảng 17.424 người, sống tập trung ở các xã Đăk Ui, Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) và Đăk Kôi, Đăk Tờ Lùng (huyện Kon Rẫy). Ở đó, từ xa xưa, bà con đã biết lấy quặng nung thành sắt và rèn ra sản phẩm nông cụ sản xuất, săn bắn và cả những vũ khí để đánh giặc.
Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, người Xơ Đăng - Tơ Đrá ở Kon Tum là cư dân đứng đầu về nghề rèn tiểu công nghiệp ở toàn Việt Nam và có thể toàn Đông Nam Á.
Qua nghiên cứu và tìm hiểu thực tế của Bảo tàng tỉnh, ông A Xê (82 tuổi) ở làng Wang Tó (thuộc thôn 4, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà ngày này) là người còn nhớ và biết cách làm nghề rèn truyền thống bằng bễ da thú của người Xơ Đăng - Tơ Đrá.
|
Sau khi đã làm việc và được sự đồng ý của nghệ nhân, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh lần thứ 4, Bảo tàng tỉnh đã mời ông về tại Bảo tàng tỉnh để phục dựng lại lò rèn bằng bễ da thú (trước đây lò rèn được làm bằng bể da con mang nhưng bây giờ được thay bằng da con dê lông vàng) và trực tiếp trình diễn các bước luyện quặng thành sắt và rèn nên các sản phẩm nông cụ sản xuất.
Theo phục dựng nguyên mẫu của già A Xê, cấu trúc của lò rèn truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá gồm bễ tạo hơi bằng da mang (kea chiêu), 2 ống bễ bằng gỗ (tê tê), ống dẫn hơi bằng nứa (rơ vang) và ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò (rơ chông), cuối cùng là lò nung (Klôh Tơ Niam).
Riêng lò rèn được thiết kế khá đơn giản, có kích thước dài 60cm, rộng 30cm, sâu 20cm, cao 30cm; được làm bằng đất sét trắng gồm 3 ụ đất nhô lên ở 2 phía, ở giữa được ốp với ống dẫn hơi, phần trên là khoảng hẹp hơi trũng để đổ quặng vào nung và được đắp đất cao 50cm, tạo thành chỗ để người ngồi thụt hơi.
Để có thể phục dựng lại nghề truyền thống, già A Xê và 2 nghệ nhân khác cùng ở xã Đăk Ui còn nhớ một chút về nghề là ông A Néo (70 tuổi) và A Keng (45 tuổi) đã mất nhiều ngày chuẩn bị các nguyên vật liệu, công cụ cần thiết mang về Bảo tàng tỉnh để đắp lò rèn và luyện quặng thành sắt theo đúng nét văn hóa truyền thống của đồng bào Xơ Đăng - Tơ Đrá trước đây.
Để nung quặng thành sắt, phải dùng cây loăng rlinh làm than. Loại cây này sống chủ yếu ở các dãy đồi phía đông bắc của xã Đăk Ui, khi đốt có thể cho nhiệt cao độ cao lên trên 1.0000C. Còn khi rèn công cụ thì phải sử dụng than của loại cây loăng sa, có nhiệt độ thấp hơn.
Cách rèn công cụ cũng tương tự như các dân tộc khác, nhưng ngoài việc đập, sửa, mài, tôi, người Xơ Đăng - Tơ Đrá trước đây còn dùng vảy tê tê, sừng trâu sử dụng trong quá trình “trui” sản phẩm để có độ rắn chắc và bền, đẹp hơn.
“Xưa kia, trong việc pha chế quặng, người Xơ Đăng - Tơ Đrá còn biết kết hợp 2 loại quặng ở dạng cục và quặng cát để tạo sản phẩm có chất lượng sắt cao, chắc bền, không bị mẻ, gãy trong khi rèn cũng như sử dụng. Dưới tác động của nhiệt độ than cháy sinh ra, quặng trong lò nung bị chảy, kết dính thành cục. Sản phẩm đó được lấy ra đập và nung nhiều lần cho đến khi chúng liên kết và tạo thành tấm sắt hoàn chỉnh. Công việc này do 2 người thợ chuyên thổi bể và nấu quặng đảm nhiệm” - già A Xê cho biết.
Cũng trong trí nhớ của già A Xê, xưa kia, ở vùng người Xơ Đăng - Tơ Đrá ở Đăk Ui, mỗi làng thường có 7 đến 15 lò rèn. Hàng năm, người Xơ Đăng - Tơ Đrá mở lò rèn 3 lần vào tháng 1-2 (trước khi phát rẫy), vào tháng 7-8 (trước khi làm cỏ lúa) và tháng 10-11 (trước khi thu hoạch). Đó là 3 thời điểm cần sửa sang nông cụ phục vụ nông nghiệp, gắn liền với 3 giai đoạn quan trọng trong một chu kỳ canh tác.
Mỗi năm bà con có thể sản xuất ra hàng trăm kilôgam sắt để rèn nông cụ và vũ khí. Sản phẩm làm ra không những đáp ứng nhu cầu đời sống của bà con trong làng mà còn trao đổi với các dân tộc xung quanh và có khi đi đến những vùng xa của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hoặc sang cả Lào, Campuchia.
Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sản phẩm của bà con làm ra phục vụ cho công việc sản xuất lúa gạo cung cấp cho bộ đội, dân quân địa phương hoặc đào hầm, hào, làm chông thò để chống địch đi càn.
Hàng năm, vào khoảng tháng 12, người Xơ Đăng - Tơ Đrá thường tổ chức cúng Yàng tại lò rèn. Theo phong tục, lễ vật cúng Yàng là một con gà, ghè rượu, người thợ rèn chính của làng đứng ra làm lễ; cầu mong thần phù hộ cho những người thợ sắt làm ra nhiều mẻ sắt, không bị tai nạn khi làm rèn, sản phẩm làm ra cuốc được bền, rựa được sắc...
già A Xê cho biết thêm, trong quá trình làm bễ rèn, người thợ phải kiêng cữ một số việc như không ai ra khỏi làng, không làm việc ngoài đồng, trai gái không được quan hệ với nhau... Trong quan hệ hôn nhân gia đình, những người làm thợ rèn giỏi được mọi người ca tụng và lấy làm tiêu chí chọn vợ gả chồng như trai thì phải biết rèn rựa sắc, săn bắn, đan gùi đẹp; gái thì phải giỏi làm rẫy, dệt lấy những tấm vải đẹp.
Hiện nay, ở các làng Xơ Đăng - Tơ Đrá ở xã Đăk Ui vẫn còn nhiều người duy trì nghề rèn để chế tác các nông cụ sản xuất; nhưng chỉ rèn theo kiểu hiện đại, trong đó có ông A Keng.
Già A Xê hy vọng với sự nỗ lực của mình trong phục dựng lại nghề, nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá sẽ được lưu giữ lại, để thế hệ con cháu người Xơ Đăng - Tơ Đrá về sau tự hào về nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Tú Quyên - Bình Vương