Phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn nghề thủ công truyền thống
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ ở Kon Tum, bên cạnh yếu tố nội tại từ chính mỗi người dân, thì việc phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc giới thiệu, truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ là hết sức cần thiết.
Với ý nghĩa đó, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh lần thứ 4 và hoạt động phục dựng, trình diễn nghề thủ công truyền thống, chế tác nhạc cụ, công cụ lao động của đồng bào các DTTS tại chỗ ở Kon Tum, Bảo tàng tỉnh đã nỗ lực mời các nghệ nhân về phục dựng, trình diễn các nghề thủ công truyền thống như nhuộm, dệt, làm gốm, đan lát, rèn, chế tác nhạc cụ và công cụ lao động.
“Qua hoạt động này, mong muốn các nghệ nhân vừa giới thiệu cho người dân và du khách nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, vừa tiếp thêm niềm tự hào về nghề truyền thống trong mỗi nghệ nhân để khi trở về địa phương sẽ nỗ lực truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ trong làng gìn giữ và phát huy” - anh Mai Văn Nhưng - cán bộ Bảo tàng tỉnh, phụ trách nhóm nghệ nhân phục dựng, trình diễn nghề thủ công truyền thống và chế tác nhạc cụ, công cụ lao động cho hay.
Mặc dù số các nghệ nhân làm nghề truyền thống giỏi tại các làng đồng bào DTTS đều đã lớn tuổi, điều kiện đi lại khó khăn, nhưng Bảo tàng tỉnh cũng đã nỗ lực mời được 14 nghệ nhân về phục dựng, trình diễn và chế tác nghề thủ công truyền thống gồm: nghệ nhân A Xê, A Kleng, A Len, A Néo (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) phục dựng nghề rèn bằng bễ da thú của người Xơ Đăng; nghệ nhân Y Khel, Y Pư (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) trình diễn nghề làm gốm thủ công truyền thống của người Ba Na; nghệ nhân Y Che, Y Tưa, Y Hlanh (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) trình diễn nghề nhuộm, dệt truyền thống của đồng bào Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng); nghệ nhân A Phiếu và A Niếc (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) trình diễn nghề đan lát truyền thống của đồng bào Gia Rai; nghệ nhân Brôl Vẻ (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) và nghệ nhân A Lễ (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) trình diễn chế tác nhạc cụ truyền thống của đồng bào Jẻ-Triêng và đồng bào Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm); nghệ nhân Bloong Rum (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) trình diễn chế tác công cụ lao động.
Theo anh Mai Văn Nhưng, khi được mời tham gia Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh, các nghệ nhân đều rất hào hứng và sẵn sàng. Một số nghệ nhân tự đón xe buýt hoặc chạy xe máy từ làng xuống tham dự. Một số nghệ nhân lớn tuổi đi lại khó khăn, cán bộ của Bảo tàng đã đến tận nhà đưa đón.
Nghệ nhân A Xê (82 tuổi) ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà vui mừng: Dù tuổi cao, sức yếu, việc đi lại rất khó khăn, nhưng khi được mời tham gia phục dựng nghề rèn bằng bễ da thú của người Xơ Đăng, tôi rất vui (hiện tại cả tỉnh chỉ còn ông A Xê biết nghề truyền thống này-PV). Hy vọng, với sự nỗ lực và đóng góp của bản thân, nghề rèn bằng bễ da thú của người Xơ Đăng sẽ được bảo tồn, gìn giữ để thế hệ con cháu người Xơ Đăng đời sau biết cha ông mình có một nghề truyền thống hết sức độc đáo.
Tham gia Tuần Văn hóa- Du lịch, nghệ nhân làm gốm Y Pư và Y Khel ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) đã mang đến cho du khách một sự trải nghiệm thú vị về nghề truyền thống này.
Bà Y Pư cho biết: Tuần Văn hóa- Du lịch của tỉnh là một hoạt động mà bản thân tôi nhận thấy rất ý nghĩa, vì góp phần giới thiệu và bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Vì vậy, dù bận rộn cỡ nào, tôi cũng đều cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia.
Bà Y Pư tiết lộ, để trình diễn nghề gốm thủ công truyền thống của đồng bào Ba Na, cách đây 1 tháng, bà đã phải đi lấy đất sét ở suối về sơ chế. Bởi đất sét phải trải qua nhiều công đoạn mới có thể làm được đồ gốm. Đầu tiên là đi lấy đất sét dưới con suối Kon Săm Lũ ở trong làng (tiếng phổ thông là suối Măng Chua) mang về phơi khoảng 2 tuần (đất sét lấy từ nơi khác về không làm được). Chờ đất sét khô, mang giã nhuyễn, sàn lấy phần bột đất mịn trộn với nước rồi ủ cả tuần (để sản phẩm làm ra không bị nứt nẻ).
“Tham dự Tuần Văn hóa-Du lịch, được nhiều du khách, đặc biệt là các em học sinh đến tìm hiểu, trải nghiệm, bản thân cảm thấy rất vui và tự hào về nghề truyền thống của ông bà để lại. Vì vậy, về làng, mình sẽ cố gắng truyền dạy cho lớp người trẻ để giữ nghề” - bà Y Pư nói.
Cũng như bà Y Pư, Y Khel, để trình diễn nghề nhuộm và dệt thổ cẩm của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng), sau khi thu hái mùa màng xong, bà Y Hlanh ở xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) lặn lội lên núi để tìm củ nghệ rừng, quả cà ri, lá và vỏ cây bằng lăng.
Bà Y Hlanh cho biết, xưa kia, để dệt nên những tấm thổ cẩm sắc màu, người Xơ Đăng ở Rờ Kơi phải trồng bông kéo sợi, tạo màu bằng quả và cây rừng tự nhiên; củ nghệ tạo màu vàng, quả cà ri tạo màu đỏ, vỏ và lá cây bằng lăng tạo màu đen. Các nguyên liệu sử dụng để tạo màu được mang giã nhuyễn, lọc lấy nước, sau đó trộn với bùn non rồi đem ủ vài ngày cho lên màu xong mới mang sợi ra nhuộm.
|
“Bây giờ nghề nhuộm không còn, vì tốn nhiều thời gian, công sức; trong khi ngoài thị trường bán rất nhiều loại chỉ, sợi đủ màu sắc. Thế nhưng, vì mong muốn được bảo tồn nghề truyền thống, để giới thiệu cho mọi người biết nét văn hóa độc đáo của người Xơ Đăng, nên dù đường sá đi lại khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng đến tham gia Tuần Văn hóa - Du lịch của tỉnh” - bà Y Hlanh chia sẻ.
Nghề đan gùi 3 lớp của nghệ nhân A Phiếu và A Niếc ở làng Rắc, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) cũng là một nét văn hóa khá độc đáo, thu hút nhiều người dân và du khách trong Tuần Văn hóa- Du lịch.
Già A Phiếu cho biết, để đan được chiếc gùi 3 lớp rất kỳ công; nếu gùi to phải đan cả tháng, còn gùi nhỏ thì vài ngày, gùi cỡ trung cũng khoảng 1 tuần. Nguyên liệu để làm gùi 3 lớp gồm nan tre, dây mây, lá mây rừng. Nan tre được chẻ làm 2 kích cỡ khác nhau, nan to để đan lớp bên trong, nan nhỏ đan lớp bên ngoài. Quy trình là phải đan lớp nan tre bên trong trước, đến công đoạn ráp đế gùi, lót lớp lá mây rừng ở giữa rồi mới đan tiếp lớp nan bên ngoài. Gùi 3 lớp có đặc điểm là không bị thấm ướt khi đi mưa do có lớp lá mây rừng bảo vệ.
Già A Phiếu bảo, ở làng, già vẫn thường hay đan gùi theo đơn đặt hàng của nhiều người để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa cũng để có cơ hội truyền dạy nghề cho bà con dân làng khi ai đó có nhu cầu.
Khi được cán bộ Bảo tàng tỉnh đến thăm hỏi, trò chuyện, các nghệ nhân ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi và hứa nếu còn sức khỏe thì Tuần Văn hóa- Du lịch lần sau, lần sau nữa cũng sẽ tham gia để về khoe với con cháu và dân làng việc mình đã làm được; từ đó vận động con cháu và dân làng theo học nghề và giữ nghề truyền thống.
Tú Quyên