Phát huy lợi thế “người đi sau”
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc và còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú, hấp dẫn, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Tiềm năng du lịch
Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể đang còn duy trì trong các thôn làng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Kon Tum có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể nhân loại là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005) và 2 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Sử thi dân tộc Ba Na-Rơ Ngao (năm 2014) và lễ Et Đông của dân tộc Ba Na (nhóm Giơ Lâng) (năm 2021).
Trong số hơn 200 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS, tỉnh đã tổ chức phục dựng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na, Brâu; phục dựng nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS như: Lễ cưới truyền thống của dân tộc Ba Na, dân tộc Rơ Măm; lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới của dân tộc Rơ Măm; lễ làm chuồng trâu của dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm...
|
Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 379 đội cồng chiêng và đã sưu tầm, ghi chép được 145 bài cồng chiêng của các dân tộc; có 2.134 bộ cồng chiêng, tăng 218 bộ so với thời điểm năm 2015. Đây là tiềm năng lớn để Kon Tum phát triển du lịch văn hóa.
Ngoài tiềm năng du lịch về văn hóa, tỉnh ta có Khu du lịch sinh thái Măng Đen, ở huyện Kon Plông. Măng Đen có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt, song cảnh quan có phần nguyên sơ hơn, chưa chịu tác động nhiều bởi sự bùng nổ du lịch, do đó, Măng Đen hiện đang được quy hoạch để trở thành Khu du lịch sinh thái quốc gia…Đây là những lợi thế, tiềm năng lớn để tỉnh ta đánh thức ngành “công nghiệp không khói” phát triển.
Cần phát huy lợi thế
Những tiềm năng và lợi thế về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái được các chuyên gia du lịch, nhà khoa học đánh giá rất cao khi nghiên cứu về Kon Tum. Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Tuấn- Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Kiến trúc Việt Nam, tỉnh Kon Tum có lợi thế, tiềm năng về vị trí, đất đai, thổ nhưỡng, có 43 dân tộc với bề dày bản sắc văn hóa. Đây là kho tàng rất lớn mà để phát huy nó thì phải bảo tồn, phải có thiết chế hạn chế yếu tố phát triển không chính thức để phát triển yếu tố chính thức.
“Vì vậy, trong đồ án quy hoạch tỉnh, chúng tôi giữ nguyên quy mô, số lượng thôn làng, quy mô điểm dân cư nông thôn, bản sắc của các thôn làng đồng bào DTTS. Đồng thời, hoạch định phát triển theo chiều sâu, theo hướng nông thôn mới, bằng cách tăng cường hạ tầng kỹ thuật xã hội, tăng cường không gian sống, bảo vệ kiến trúc cảnh quan, đặc biệt là kiến trúc truyền thống của dân tộc tại chỗ. Quy hoạch hướng đến khát vọng, do đó, chúng tôi chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa.”- Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Tuấn cho hay.
|
Còn theo PGS-TS Phạm Trung Lương-chuyên gia du lịch, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, thành viên tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch quốc gia đặc biệt đánh giá về tiềm năng du lịch của Kon Tum, nhất là về khí hậu, cảnh quan, văn hóa dân tộc. PGS-TS Phạm Trung Lương cho rằng, Kon Tum mạnh hơn các tỉnh khác là phát triển chậm, đi sau về du lịch, vì vậy, chưa bị pha trộn, chưa bị thương mại hóa nên vẫn còn giữ được những nét hoang sơ và toàn vẹn về văn hóa mà các tỉnh khác trong khu vực không có được, hoặc đã đánh mất trong quá trình phát triển. Đó là những cái không thể lấy lại được. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển làm sao không giẫm lại bài học các tỉnh thành khác đi trước. Do đó, cần phát triển những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, đặc biệt ở Măng Đen. Bởi mục tiêu du lịch là nghỉ dưỡng để tái tạo sức khỏe phục vụ công việc. Vì vậy, phát triển du lịch thì Kon Tum nên phát huy lợi thế riêng có như sâm Ngọc Linh, kết hợp với phương thức truyền thống để hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, phát huy giá trị thiên nhiên thì cần phát triển du lịch sinh thái đúng với bản chất như đi nghiên cứu, trải nghiệm giá trị thiên nhiên và đặc biệt giá trị đa dạng sinh học, trong đó, có văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
“Một điểm nghẽn của du lịch Kon Tum chưa thu hút được du lịch là chất lượng nhân lực, chất lượng sản phẩm du lịch nên chưa thu hút được doanh nghiệp. Hơn nữa, Kon Tum còn thiếu chính sách, thiếu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối như giao thông để biến nó thành lợi thế. Do đó, nên dựa vào đặc thù, lợi thế và có chính sách riêng để hấp dẫn doanh nghiệp”- PGS-TS Phạm Trung Lương cho biết.
Theo PGS TS Phạm Trung Lương, Măng Đen không có các công trình kiến trúc mang tính cổ điển của Pháp như ở Đà Lạt nhưng Măng Đen lại có lợi thế là có thể xây dựng theo hướng hiện đại trong tương lai với tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, Măng Đen còn có lợi thế về vị trí địa lý, là điểm kết nối của vùng trọng điểm miền Trung. Vì vậy, cần bắt tay ngay từ bây giờ, xúc tiến đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực, các dịch vụ để xây dựng Măng Đen thành khu du lịch đẳng cấp quốc gia.
“Chúng ta cũng có thể nghĩ đến xây dựng một sân bay nhỏ để phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Bởi hiện nay, do công việc bận rộn, thời gian ít nên nhiều người có thể tranh thủ thời gian đến nghỉ dưỡng để tái tạo sức khỏe phục vụ cho công việc. ”- PGS TS Phạm Trung Lương nêu ý tưởng.
Để xây dựng Kon Tum thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách thì cần phải tận dụng tốt lợi thế “người đi sau”, có giải pháp, kế hoạch bài bản và hoạch định tầm nhìn dài hơi.
Văn Phương