Ngọc Hồi quan tâm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống
Những năm qua, UBND huyện Ngọc Hồi quan tâm chỉ đạo ngành chức năng và các đoàn thể xã hội khuyến khích, hỗ trợ người dân bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của đồng bào DTTS. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giữ gìn, phát triển những nét văn hóa của đồng bào DTTS.
Theo thống kê của ngành chức năng, một số nghề làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho gia đình; có sản phẩm mua bán, trao đổi trong cộng đồng và trên thị trường như nghề dệt thổ cẩm, rượu nếp cẩm của người Giẻ-Triêng (xã Đăk Dục); nghề làm rượu cần men lá, dệt thổ cẩm của người Brâu (xã Pờ Y); nghề làm rượu nếp cẩm của người Xơ Đăng (nhánh Ca Dong) ở xã Sa Loong... đang được huyện Ngọc Hồi tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích người dân bảo tồn, phát triển.
|
Gia đình bà Đinh Thị Quý (dân tộc Mường) từ huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) vào thôn Hào Lý (xã Sa Loong) lập nghiệp từ năm 1991. Sau 31 năm lập nghiệp trên vùng quê mới, gia đình bà có cuộc sống ổn định, sung túc, các con đều lập gia đình và ở riêng. Đời sống phát triển, nhiều vật dụng sinh hoạt hiện đại, tiện lợi hiện diện trong mỗi nếp nhà, nhưng bà Quý vẫn giữ nghề đan lát của cha ông để lại. Những lúc nông nhàn, 2 vợ chồng bà Quý chặt tre trồng trong vườn, làm ra các vật dụng như gùi, thúng, nia, nong, rổ để sử dụng trong gia đình, cho các con hoặc biếu những người hàng xóm cần dùng các sản phầm này.
|
Cũng như bà Quý, ông Bloong Rum, 72 tuổi, dân tộc Giẻ-Triêng (làng Dục Nhầy 3, xã Đăk Dục) cũng gìn giữ các nghề truyền thống của dân tộc mình. Ông làm nghề rèn và biết chế tác các loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống từ hàng chục năm nay. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, cho con cháu, bà con trong làng. Thỉnh thoảng có ai hỏi mua thì ông bán và tiếp tục làm ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng và có chất lượng hơn.
“Tuy không phải là nghề chính để nuôi sống gia đình, nhưng mình không bỏ nó được, vì đó là nghề truyền thống của ông bà để lại, không thể để nó thất truyền. Lớp trẻ ngày nay ít khi quan tâm tới việc này, nếu mình không lưu giữ và bảo tồn nghề thì nó sẽ dần dần biến mất trong đời sống cộng đồng”- ông Bloong Rum bộc bạch.
Ông Nguyễn Bá Huân- Trưởng phỏng Dân tộc huyện Ngọc Hồi cho hay: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 745 người biết làm các nghề truyền thống, trong đó có nhiều người làm ra các sản phẩm thương mại. Cụ thể, có 100 người biết dệt thổ cẩm, 13 người có sản phẩm mua bán, 87 người làm ra sản phẩm phục vụ gia đình. Có 107 người biết nghề rèn, 3 người có sản phẩm mua bán. Đan lát có 173 người biết làm nghề, 13 người có sản phẩm mua bán. Có 235 người biết làm rượu cần, 6 người có sản phẩm mua bán. Có 45 người biết chế tác nỏ , 4 người có sản phẩm mua bán. Có 78 người biết chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống; 13 người có sản phẩm trao đổi, mua bán. Có 7 người biết tạc tượng; trong đó 4 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (xã Đăk Dục 3 nghệ nhân, xã Pờ Y 1 nghệ nhân).
Ông Đinh Cao Cường- Bí thư Huyện ủy Ngọc Hồi cho biết: Trong thời gian tới, huyện Ngọc Hồi tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích người dân khôi phục, bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp, phát huy giá trị văn hóa. Theo đó, quan tâm phát triển 7 nghề truyền thống: Dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, tạc tượng, làm nỏ; trong đó chú trọng 4 nghề truyền thống tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bản địa là nghề dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống.
Phấn đấu xây dựng ít nhất 2 điểm trưng bày giới thiệu, ký gửi sản phẩm nghề truyền thống kết hợp các sản phẩm đặc trưng (OCOP) của huyện gắn với các điểm tham quan du lịch (điểm trưng bày tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y và thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục). Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các loại hình kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, ký gửi, mua bán các sản phẩm nghề truyền thống; chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; xây dựng từ 2-3 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống của huyện; xây dựng 1 nhà trưng bày sản phẩm văn hóa truyền thống các DTTS tại trung tâm huyện.
Hàng năm, tổ chức từ 5-7 lớp dạy các nghề truyền thống cho khoảng 70 người; phấn đấu ít nhất có 5% số người tham gia làm nghề truyền thống có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần. Xây dựng hạ tầng, không gian hoạt động nghề truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống trong tình hình mới.
Quang Định