Một số tên làng ở Kon Tum
Kon Tum có hơn 54% dân số là đồng bào DTTS, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ -Triêng, Gia Rai, Rơ Măm, Brâu và Hre. Các dân tộc ở Kon Tum sống quần cư theo làng. Tên làng của các dân tộc ở Kon Tum có nhiều điều thú vị, hấp dẫn.
Theo nhiều ngôn ngữ khác nhau, plei, pơlei, pơlơi, pơlê, đak hoặc kon đều có nghĩa là “làng”. Người Xơ Đăng gọi “làng” là pơlê và trong các văn bản hành chính được viết là plei. Người Ba Na thường dùng từ kon hoặc đak để chỉ “làng”, còn làng trong tiếng Gia Rai là pơlơi. Về mặt ngôn ngữ, các từ kon, pơlơi, pơlei hay pơlê chỉ có nghĩa là “làng” khi đi kèm với một từ khác nhằm chỉ tên làng. Khi đứng một mình, plei có nghĩa là “quả” hoặc “trái cây”, kon có nghĩa là “con”, đak là “nước”.
Tên làng của người Ba Na thường được bắt đầu với từ kon. Ví dụ, người Ba Na Jơ Lâng thường đặt tên làng là Kon Sơmluh (làng Cây le Sơmluh), Kon Klâng (làng Ruộng nước), Kon Kơxiêng (làng Cây lim), Kon Kơpăt (làng Cây bồ hòn), Kon Jơdreh (làng Nhánh cây), Kon Jơdri (làng Cây hoa mai)…
Người Gia Rai thường gọi làng là pơlơi, chẳng hạn như Pơlơi Sar (làng Cây trắc), Pơlơi O (làng Lồ ô), Pơlơi Wer (làng Tránh), Pơlơi Klâu (làng Số ba)…
Đáng chú ý là, trên thực tế, rất nhiều làng của người Xơ Đăng cũng được gọi là pơlơi, kon hoặc đak. Có thể thấy một số làng của người Xơ Đăng có tên như Pơlơi Kân (làng To), Kon Braih (làng Cát), Đak Phía (làng Nước Nứa), Kon Ré (làng Rễ cây), Kon Bơ Băn (làng Cá lóc nuôi), Kon Hơdrê (làng bị bỏ rơi). Người Hà Lăng, một nhóm người Xơ Đăng, ở huyện Sa Thầy cũng gọi làng là pơlei với các tên như Pơlei Đak Rơde (làng Khóm trúc), Pơlei Jar Siang (làng Dơi), Pơlei Pơkôi (làng Thác nước)… Có thể giải thích hiện tượng này một phần từ sự vay mượn ngôn ngữ giữa các dân tộc trong quá trình cộng cư và giao lưu về kinh tế, văn hóa và xã hội tại Kon Tum.
|
Có thể thấy, đối với các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum, tên riêng của mỗi làng thường gắn với đặc điểm địa hình cư trú như sông, suối, ao, hồ, gò, đồi… Chẳng hạn, một ngôi làng của người Ba Na ở vùng có nhiều ao hồ được gọi là Kon Tum (kon là “làng”, tum là “hồ”, Kon Tum có nghĩa là làng Hồ). Kon Tum lại được chia thành hai làng: Kon Tum Kơpâng (nghĩa là làng Hồ trên), Kon Tum Kơnâm (nghĩa là làng Hồ dưới). Làng ở trên gò đất cao gọi là Pơlei Don (don có nghĩa là “gò đất cao”), làng nằm trên lưng đồi gọi là Pơlei Groi (groi là “lưng đồi”).
Tên làng cũng có thể gắn với cây cối ở đầu làng hoặc xung quanh làng. Làng có cây cầy gọi là Pơlei Tơngia, làng có cây gòn gọi là Pơlei Blang. Ở một làng của người Ba Na, người ta đặt tên làng là Kon Klor do làng có nhiều cây gạo (klor có nghĩa là “cây gạo”). Hay làng có cây sung có tên là Kon Hra (hra là “cây sung”), làng có nhiều cây thông mọc xung quanh được gọi là Kon Hơngo (hơngo có nghĩa là “cây thông”).
Đặc biệt, tên làng cũng thường gắn với nguồn nước hoặc ruộng nước của làng, chẳng hạn Kon Hơdrâm nghĩa là làng Bến nước, Kon Klâng là làng Ruộng nước. Một ngôi làng lập ra ở gần một con suối có đặc điểm đang chảy bỗng nhiên mất hút trong lòng đất được đặt tên là Đak Mut (đak mut có nghĩa là “nước vào”). Làng ở giữa hai dòng sông Krong Blah (hay còn gọi là Đak Bla) và sông Krong Pơkô (Đak Pơkô) được gọi là Pơlei Krong, có nghĩa là làng sông.
Tên làng còn gắn với tên các già làng giàu có và có uy tín trong thực tế hoặc trong sử thi, truyện cổ của các dân tộc ở Kon Tum. Ví dụ như Pơlei Bok Rơh (làng của ông Rơh), Pơlei Bok Set (làng của ông Set), Pơlei Lao (làng của chàng Lao), Pơlơi Jrai (làng của chàng Jrai), Pơlơi Buô Chô (làng của ông Chô) Pơlê Duông (làng của chàng Duông), Pơlei Ya Sơk Ier (làng của bà Sơk Ier)…
Trong các tên làng ở Kon Tum, cái tên Pơlơi Yang Roong của người Ba Na Rơ Ngao mang ý nghĩa đặc biệt và gắn với một truyện cổ. Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một làng nọ, cư dân phát triển rất nhanh vì người sinh ra không bao giờ chết. Người đời gọi làng ấy là Pơlei Yang Roong (có nghĩa là làng Trời nuôi). Về sau, có một người dân trong làng vô tình vi phạm luật của thần linh nên thần linh tước bỏ đặc quyền “hữu sinh bất tử” kia. Từ đó, cư dân làng này cũng tuân theo quy luật chung của tạo hóa là mọi người sinh ra rồi cũng chết đi. Đây là một ví dụ về tên làng được đặt theo một truyền thuyết hay truyện cổ của dân tộc tạo lập nên làng đó.
Trước kia, khi có xung đột hoặc tranh chấp, các làng có xu hướng tách ra. Khi đặt tên cho làng mới, người ta thường đặt tên gắn liền với gốc ban đầu, Ví dụ, làng Kon Hra được tách ra thành hai làng Kon Hra Kơtu và Kon Hra Klah, làng Kon Hơngo tách ra thành hai làng Kon Hơngo Kơtu và Kon Hơngo Klah, hay Làng Pơlei Krong tách ra thành hai làng Pơlei Krong Kơtu và Pơlơi Krong Klah. Trong đó, kơtu có nghĩa là “gốc”, “nguyên thủy” và klah có nghĩa là “được tách ra”.
Có thể nói, tên làng của các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum phản ánh lịch sử hình thành của mỗi làng. Dựa vào tên làng, người ta có thể phần nào biết được nguồn gốc lập làng, người già có thể truyền lại cho con trẻ những câu chuyện về quá khứ tạo nên cộng đồng chung của làng. Ở khía cạnh này, tên làng cũng có thể được coi là di sản văn hóa tốt đẹp của một nhóm cộng đồng và cần được tôn trọng, gìn giữ. Đây là thực tế rất cần được những nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa quan tâm.
A JAR