Lễ hội của đồng bào các DTTS: Không chỉ là tín ngưỡng tâm linh
Các lễ hội của đồng bào các DTTS được tổ chức hằng năm đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân. Các lễ hội luôn gắn với tín ngưỡng, tâm linh để cảm tạ, cầu xin và thể hiện lòng tôn kính các vị thần...
Cùng với những giá trị tâm linh, mỗi lễ hội còn là sợi dây kết nối cộng đồng và là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là dịp để người dân giáo dục con cháu về cội nguồn, truyền thống của dân tộc.
Từ trước đến nay, các lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Sau một mùa rẫy, khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 dương lịch năm sau, khi tiết trời chuyển sang hanh khô, nắng ráo; đồng bào các DTTS thường tổ chức nhiều lễ hội. Hầu hết những lễ hội quan trọng của mỗi làng, của dòng tộc, các gia đình đều diễn ra trong thời gian này như: lễ bỏ mả, cúng mừng lúa mới, đâm trâu, sửa máng nước, cưới hỏi...
|
Phải khẳng định rằng, mỗi lễ hội đều thể hiện nét văn hoá về tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các DTTS. Người ta tổ chức lễ hội để tạ ơn thần linh, để thể hiện sự thành kính của con người với các đấng tối cao cai quản trời, đất, nước mà người dân thường gọi là Yàng.
Lễ hội còn là dịp để người dân cầu mong thần linh phù hộ những điều tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng như sức khoẻ, có mùa màng bội thu, bình an...
Bên cạnh những yếu tố mang ý nghĩa tâm linh ấy, những lễ hội dân gian của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh còn là thời điểm để người dân biểu dương sức mạnh, tính cố kết cộng đồng.
Tính cộng đồng của lễ hội thể hiện từ việc người dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất về thời gian, cách thức tổ chức, đóng góp vật chất, phân chia công việc; cùng nhau tập hợp để tổ chức lễ hội...
Ví như lễ Cầu an của người Ba Na với mục đích cầu mong cho dân làng khỏe mạnh, bình yên tránh khỏi chiến tranh, dịch bệnh; xua đuổi các thế lực siêu nhiên xấu, các loại ma xấu, xua đuổi những xui xẻo, tai họa đến với dân làng; có mùa màng bội thu, dân làng no đủ...
Nghệ nhân A Thút (làng Đăk Vớt, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) cho biết: Vào khoảng thời gian từ tháng 11 - 12 dương lịch, sau khi thu hoạch mùa màng xong xuôi, hội đồng già làng sẽ họp bàn và quyết định thời gian, mức đóng góp của các gia đình để tổ chức lễ Cầu an...
Trong thời gian tổ chức lễ hội, ngoài việc người dân góp tiền để mua vật hiến tế, hàng trăm ché rượu cần được huy động, hàng ngàn ống cơm lam được chuẩn bị để dâng tiến thần linh. Đàn ông, đàn bà mỗi người được giao một nhiệm vụ như sửa chữa nhà rông, quét dọn đường làng, ngõ xóm, chuẩn bị các nghi thức, nấu nướng... Đây là một trong những lễ hội rất đặc sắc của người Ba Na, thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng dân cư trong việc quyết tâm bảo vệ làng, chống lại mọi sự phá hoại của ma quỷ, các thế lực xấu xa. Với người Ba Na, lễ Cầu an không chỉ là hoạt động tâm linh đơn thuần mà nó còn thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực xây dựng thôn, làng của mỗi cộng đồng dân cư. Nghệ nhân A Thút kể cho tôi nghe về cách thức tổ chức lễ Cầu an và khẳng định những ý nghĩa tốt đẹp.
Hay như lễ Mừng lúa mới của người Xơ Đăng cũng mang những ý nghĩa hết sức tốt đẹp của cộng đồng đồng bào DTTS.
“Bên cạnh việc người dân cảm ơn Yàng vì đã ban cho người dân có sức khỏe để làm ra lương thực, cơm gạo, nuôi sống con người và cầu xin Yàng tiếp tục cho một mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn tốt hơn năm cũ và mọi người đều khỏe mạnh no ấm thì đây còn là dịp để bà con trong làng ngồi lại với nhau trò truyện, tâm tình. Trong ngày lễ, những giận hờn, những khúc mắc đều được bỏ qua, hoá giải để tiếp tục cùng nhau xây dựng, củng cố tình làng nghĩa xóm” - ông A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) - người am hiểu về văn hoá các DTTS trên địa bàn tỉnh chia sẻ.
Không chỉ có lễ Cầu an của đồng bào Ba Na hay lễ Mừng lúa mới của người Xơ Đăng mà hầu như tất cả các lễ hội của đồng bào các DTTS đều thể hiện rõ sự cố kết cộng đồng, đoàn kết trong dân làng. Sau lễ là hội, mọi người lại quây quần bên nhau uống rượu cần trong âm hưởng rộn ràng của cồng chiêng, múa xoang; cùng các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, thi giã gạo, đi cà kheo... tất cả tạo nên không khí sinh hoạt văn hóa vui vẻ, gắn kết yêu thương trong cộng đồng.
Không chỉ có giá trị về tâm linh, cố kết cộng đồng, mỗi lễ hội của đồng bào các DTTS còn là dịp để người dân hướng về nguồn cội.
Cũng theo ông A Jar: Lễ hội còn có ý nghĩa quan trọng đó là hướng về nguồn cội cộng đồng của mình thông qua sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật. Chẳng hạn như, khi thực hiện các nghi lễ, những người có chức trách trong làng đã khéo léo răn dạy, chỉ bảo cho các thế hệ về lịch sử, về vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tiếp nối truyền thống của cộng đồng. Rồi trong những đêm hội, những người già lại kể cho con cháu nghe những câu chuyện sử thi, những sự tích để người dân thấy tự hào và khắc sâu hơn về nguồn cội.
|
Chẳng hạn, ở nhiều làng đồng bào Ba Na hiện nay người dân vẫn duy trì lễ hội Giọt nước, bởi giọt nước là một biểu tượng văn hóa hết sức độc đáo, nó gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của bà con trong của mỗi làng. Lễ hội không chỉ là dịp để người dân tạ ơn thần linh đã ban cho nguồn nước, cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người có sức khỏe dồi dào, làm ăn gặp điều may mắn mà đây còn là dịp để những người già truyền dạy con cháu về lịch sử hình thành, xây dựng làng; giáo dục con cháu về trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo vệ làng; nhắc nhở mọi người phải có ý thức bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước...
Hay như lễ Bỏ mả cho người quá cố của dân tộc Ba Na, Gia Rai, Rơ Măm, đây là một trong những nghi lễ lớn để tiễn đưa linh hồn người chết ra đi. Hơn thế nữa, thông qua nghi lễ này, người dân còn muốn giáo dục con cháu về lối ứng xử đầy tính nhân văn của người sống đối với người chết.
Mỗi lễ hội của đồng bào các DTTS còn là dịp người dân thể hiện sự sáng tạo thông qua các điệu múa, âm nhạc của cồng chiêng, trống, kể khan, các trò chơi dân gian... Đó là âm thanh của dàn cồng chiêng diễn xướng mang tính tập thể thể hiện tài năng và sức sáng tạo, những điệu múa dân gian khỏe khoắn, hồn nhiên, đơn giản đã tạo nên sự gắn kết các cá nhân lại với nhau...
Có thể nói, những lễ hội của đồng bào các DTTS vừa mang ý nghĩa nhân văn vừa là sự tiếp nối những nét đẹp văn hóa. Trải qua năm tháng, do những tác động của yếu tố khách quan cũng như chủ quan, một số lễ hội đã bị mai một. Trong những năm qua, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương đã tổ chức phục dựng nhiều lễ hội văn hoá đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nhằm bảo tồn những nét đẹp văn hoá của các dân tộc.
Thuỳ Hương