Khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch
Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời, có bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của nhiều dân tộc cùng chung sống. Đến với Kon Tum là đến với lung linh dấu tích tiền nhân từ khu di chỉ khảo cổ Lung Leng, với những mái nhà rông sừng sững, với những bài hát kể sử thi đêm đêm bên bếp lửa hồng, với những bài dân ca, những điệu múa xoang dặt dìu trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng… Những nét đẹp ấy là nguồn tài nguyên quý giá tạo nên giá trị du lịch của Kon Tum.
Sự hấp dẫn của du lịch Kon Tum chắc chắn sẽ không thể có được nếu thiếu đi những giá trị văn hóa vốn rất đa dạng, phong phú, đặc sắc. Đó là tài nguyên văn hóa vật thể với 26 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam - thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Đó là tài nguyên văn hóa phi vật thể với trên 200 di sản văn hóa phi vật thể đang còn duy trì trong các thôn, làng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hoá quý báu của đồng bào DTTS sinh sống ở Tây Nguyên nói chung và của đồng bào DTTS sinh sống ở Kon Tum nói riêng thu hút đông đảo du khách gần xa. Hiện toàn tỉnh có 379 đội cồng chiêng. Hằng năm, các địa phương đều mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, vì vậy số lượng người biết đánh cồng chiêng ngày càng tăng.
Nhiều thôn làng trên địa bàn tỉnh vẫn còn lưu giữ những nếp nhà sàn nguyên sơ. Nơi đó với cuộc sống quần cư và nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc còn lưu giữ trên 23 lễ hội truyền thống của các thành phần DTTS tại chỗ trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản do già làng và đồng bào tự thực hiện để vừa khôi phục lại môi trường văn hoá dân gian truyền thống vừa phát huy được giá trị các di sản phi vật thể. Nhiều nghi lễ, lễ hội đã được phục dựng và được đồng bào các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh duy trì tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở các cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp vào hoàn cảnh và điều kiện. Trong các lễ hội đó, trong tiếng cồng chiêng rộn rã, dân làng cùng nối nhịp xoang, cùng thưởng thức hương vị rượu cần và những món ăn hấp dẫn, độc đáo mang đậm bản sắc núi rừng như: gà nướng, cơm lam, gỏi kiến chua…
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, ngày nay, trên 80% khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt với nền văn hóa dân tộc họ. Bởi vậy, với nguồn tài nguyên văn hóa giàu bản sắc, phong phú, đa dạng, quý giá, sống động này, chắc chắn rằng, khi du khách được trải nghiệm và tham gia sẽ cảm thấy hết sức thú vị, hấp dẫn. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng tăng cường tính hấp dẫn, khơi gợi khám phá văn hóa để hiểu và cảm nhận nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc, tinh tế của các dân tộc tại chỗ có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Để khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Kon Tum đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Bởi vậy, với lịch sử gần 110 năm hình thành và phát triển, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, các giá trị văn hóa được gìn giữ, bảo tồn, phát huy và trở thành truyền thống tốt đẹp, phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
|
Đặc biệt, hiện nay, ở nhiều thôn, làng, bà con đã biết phát huy tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Bà con các làng như Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), làng Kon Brăp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy)… đã thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn khi khách đến tham quan, trực tiếp dệt thổ cẩm tại nhà rông để du khách trải nghiệm và bán các sản phẩm dệt được. Bà con còn biết gìn giữ, phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, hàng đặc sản mang thương hiệu Kon Tum để níu chân du khách. Như làng Đăk Răng, bà con đã thống nhất thành lập nhóm ẩm thực, nhóm đón tiếp, hướng dẫn khách, nhóm văn nghệ, nhóm sản xuất hàng thủ công... để phục vụ du khách một cách bài bản.
|
Cũng nhờ được hưởng lợi từ khai thác những nét đẹp văn hóa để phục vụ du lịch, bà con ở các thôn, làng ngày càng chú trọng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Như ở làng Kon K’tu, những nếp nhà sàn nguyên sơ của người Ba Na qua bao thế hệ được bà con nơi đây gìn giữ. Cuộc sống quần cư thanh bình với những tập tục, sinh hoạt hàng ngày của dân làng Kon K’tu bên bến sông, giọt nước, với các hoạt động ngày thường dệt thổ cẩm, canh tác… thực sự là sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Đến với Kon Tum là đến với lung linh dấu tích tiền nhân từ khu di chỉ khảo cổ Lung Leng, với những mái nhà rông sừng sững, với những bài hát kể sử thi đêm đêm bên bếp lửa hồng, với những bài dân ca, những điệu múa xoang dặt dìu trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng… Những nét đẹp ấy là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch, phù hợp với xu hướng chung của du lịch là trải nghiệm đời sống văn hóa người dân tại chỗ ngày càng phát triển.
Nếu khai thác tốt, những giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc, đa dạng; sự ấm áp, thân thiện của đất và người Kon Tum hẳn sẽ luôn có sức mời gọi du khách gần xa. Và những giá trị ấy sẽ càng bền vững, càng được giữ gìn, phát huy, càng được nâng tầm khi gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống của chính người dân nơi đây và góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách, thúc đấy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nguyên Phúc