Hội tụ sắc màu văn hóa các dân tộc giữa đại ngàn Măng Đen
Giữa những ngày tháng 3 lịch sử, người dân Kon Plông và du khách đã được thưởng thức mãn nhãn các sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam về hội tụ giữa đại ngàn Măng Đen tại Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên lần thứ III năm 2022.
Trong 4 ngày diễn ra Liên hoan, người dân và du khách được thưởng thức những màn biểu diễn đặc sắc của các nghệ nhân đến từ 19 tỉnh, thành phố như màn rước biểu tượng vật thiêng; đại diễn tấu cồng chiêng "Tiếng vọng đại ngàn"; trình diễn diễn xướng dân gian và trang phục dân tộc; thi trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn các loại hình dân ca, dân vũ, cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc cụ dân tộc truyền thống; trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội; Hội thi Trai tài - Gái đảm (nam thi bắn nỏ, kéo co, vật tay; nữ thi nấu ăn và trình bày 1 mâm cỗ cổ truyền) và các hoạt động dã ngoại trải nghiệm tại một số điểm du lịch của huyện Kon Plông. Các tiết mục đặc sắc đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
|
|
Được chọn tham gia Liên hoan, đoàn nghệ nhân làng Làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) mang đến các tiết mục đặc sắc: biểu diễn cồng chiêng xoang mừng chiến thắng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc dân ca giữ rẫy; hát giao duyên lời hẹn ước; biểu diễn Cồng chiêng múa xoang “mừng hội làng” và tái hiện nghi lễ “Mừng nước giọt” đã thu hút và đem lại sự thích thú cho khán giả.
Chia sẻ niềm vui này, nghệ nhân ưu tú A Thuih– làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà) cho biết: “Tôi cùng các cháu trong đội cồng chiêng, múa xoang của làng đã tích cực tập luyện để tham gia Liên hoan với mong muốn giới thiệu đến mọi người nét văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Ngao và biết đến làng Kon Trang Long Loi”.
Không giấu được niềm vui, em Y Khuyên (làng Kon Trang Long Loi) chia sẻ: “Em thấy liên hoan rất có ý nghĩa. Các tiết mục trình diễn đều rất hay. Qua đây, em thấy yêu quý hơn những làn điệu dân ca, múa xoang của mình”.
Với những nét độc đáo riêng, đoàn nghệ nhân dân tộc Khmer An Giang giới thiệu những nét đẹp văn hóa, lễ hội của cộng đồng người Khmer Thất Sơn-An Giang như nghệ thuật đánh trống và múa trống Chhay Dăm. Đây là một điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer Thất Sơn-An Giang, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Óoc - om - boóc…và đó cũng là một loại hình nghệ thuật mang tính cổ điển nhất của cộng đồng dân tộc Khmer.
Tương tự, với 5 tiết mục dân gian, vừa biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ và biểu diễn thời trang, đoàn nghệ nhân tỉnh Quảng Ngãi cũng mang đến Liên hoan những bản sắc văn hóa đặc sắc của người Cor. Đặc biệt, đến với Liên hoan này các nghệ nhân dân tộc Cor còn mang tiết mục đấu chiêng chỉ có ở dân tộc Cor. Bởi, theo đồng bào người Cor, đấu chiêng là thể hiện mình khoe tài, khoe sức của người thanh niên.
Đại diện cho vùng đồng bằng Sông Hồng, đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Nam mang đến 5 tiết mục mang sắc thái riêng như Hát giáo duyên, mời trầu, hò đối, hát văn, hát dặm Quyển Sơn…
Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Hiển- Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam cho biết, từ nhiều đời nay, người dân Hà Nam luôn gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc như: trống đồng Ngọc Lũ, võ vật Liễu Đôi, sách đồng Cầu Không... Đặc biệt, Hà Nam còn tự hào là chiếc nôi sản sinh, phát triển một số loại hình dân ca độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa như múa hát Lải Lèn, hát Dặm Quyển Sơn, hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng.
“Trải qua hàng nghìn năm, các làn điệu dân ca Hà Nam luôn được lưu truyền và không ngừng phát triển, đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc trưng quen thuộc của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Đến với Liên hoan này, chúng tôi mong muốn góp phần tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”- nhạc sĩ Khắc Hiển chia sẻ.
Trong suốt những ngày diễn ra Liên hoan, từ đêm khai mạc, tối nào chị Nguyễn Thị Hương (thị trấn Măng Đen) cũng đến quảng trường trung tâm huyện để xem các nghệ nhân biểu diễn. Chị Hương chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được tận mặt nghe, xem những tiết mục văn hóa đặc sắc như vậy. Tiết mục nào cũng rất hay và ấn tượng. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc riêng, điều đó cho thấy nước ta có nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng cần được bảo tồn, phát huy.
|
Không chỉ được mãn nhãn thưởng thức các tích trò, những bài hát dân ca dân vũ, những điệu múa, những làn điệu dân ca đặc sắc của các dân tộc, người dân và du khách đến với Măng Đen những ngày này còn được trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng như thi bắn nỏ, kéo co, vật tay. Đặc biệt, du khách còn được trải nghiệm sự tài ba của các cô gái trong phần thi nấu ăn và trình bày mâm cỗ cổ truyền của các dân tộc rất độc đáo và ấn tượng. Đây là các món ăn truyền thống gắn liền với đời sống của bà con các dân tộc sinh sống tại đây và không thể thiếu trong những ngày lễ, tết trọng đại.
Ông Nguyễn Công Trung- Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho biết, các tiết mục tham gia thi được các đoàn lựa chọn là những tiết mục tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc ở mỗi địa phương. Liên hoan không chỉ là cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các đoàn nghệ nhân mà còn là dịp để giới thiệu giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương với các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên.
“Liên hoan Diễn xướng lần này tổ chức tại Măng Đen có một điều đặc biệt là hội tụ đủ tất cả các vùng miền nên có một sức hút rất lớn. Bốn ngày diễn ra liên hoan là một đại cảnh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tất cả những hoạt động như diễn tích, dân ca, dân vũ, ẩm thực, trang phục dân tộc, hoạt động thể chất nữa đã để lại nhiều ấn tượng cho đồng bào các dân tộc giữa đại ngàn Măng Đen”- ông Trung nhấn mạnh.
Liên hoan Diễn xướng dân gian Văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 không chỉ làm tăng thêm tình đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc mà thông qua đó góp phần tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét tiêu biểu, giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
Phúc Nguyên