Hồi phục du lịch như thế nào?
Trải qua thời gian dài gặp khó khăn vì đại dịch Covid- 19, hiện nay, cùng với du lịch cả nước, ngành du lịch Kon Tum đang bắt tay vào hành trình phục hồi. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thành công chỉ đến với ai “nhanh chân” và xác định đúng hướng đi.
|
Từ ngày 15/3, Chính phủ cho phép mở cửa du lịch. Chiều 16/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Cũng ngay trong ngày 15/3, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 724/KH-UBND phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch 724, tỉnh ta xác định tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi.
Lộ trình phục hồi du lịch được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 15/3/2022, tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch nội địa; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế.
Giai đoạn 2, từ quý II năm 2022 trở đi, dự kiến khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch Covid-19.
Tiếp đó, ngày 16/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cũng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 17/3.
Trong đó, khách nhập cảnh nếu chưa có xét nghiệm âm tính nCoV thì làm ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh. Trẻ em dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm và đi theo bố mẹ, người thân.
Du khách tuân thủ 5K, khai báo y tế hoặc quét mã QR; thực hiện quy định về an toàn phòng, chống dịch và nội quy của cơ sở kinh doanh du lịch; tự theo dõi sức khỏe và báo với cơ sở y tế gần nhất nếu có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, cài đặt ứng dụng PC-Covid.
Không nghi ngờ gì, đây chính là những bước chuẩn bị rất cần thiết, và rất kịp thời, phục vụ mở cửa du lịch. Cũng là bước đi đặc biệt quan trọng để đảm bảo cho việc mở cửa du lịch thành công.
Một chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho hay, hai năm vừa qua là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, ngay doanh nghiệp của anh đã phải giảm nhân viên, tiết giảm tối đa chi phí không cần thiết vì hoạt động đóng băng.
Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 128/NQ-CP được triển khai, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, tôi rất hy vọng vào sự phục hồi của kinh tế nói chung, du lịch nói riêng, nên đã bắt tay tái cấu trúc doanh nghiệp, chắp nối lại các mối quan hệ, tiến hành liên kết với đối tác, khảo sát các tour, tuyến, điểm du lịch để sẵn sàng cho một cuộc chơi mới- anh chia sẻ.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp lữ hành, du lịch, tỉnh Kon Tum mở cửa du lịch trong bối cảnh các địa phương khác cũng đang gấp rút triển khai các chương trình phục hồi ngành “công nghiệp xanh” đồng nghĩa phải đối mặt với sự cạnh tranh sòng phẳng, mà ở đó ai chuẩn bị kỹ càng và đầu tư tốt hơn, sẽ nắm trong tay lợi thế.
Trước đây, lợi thế của tỉnh ta là kiểm soát dịch tốt, độ bao phủ vắc xin cao, khách du lịch sẽ yên tâm hơn khi vào tỉnh. Nhưng khi cả nước mở cửa, lợi thế về hiệu quả chống dịch đã không còn, thì chìa khóa quyết định nằm ở nội lực của ngành du lịch Kon Tum, đặc biệt là việc xác định đúng tiềm năng và sức hút riêng có; khả năng truyền thông; tạo dựng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
|
|
Lợi thế lớn nhất hiện nay là chúng ta có một hệ thống khá dày các điểm đến đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mới của du khách. Từ sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp hội nghị, team building (MICE), đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Du lịch thể thao mạo hiểm khinh khí cầu, dù lượn cũng đang hình thành và tạo nên xu hướng mới, thu hút lượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá.
Để chuẩn bị cho việc khai thác hiệu quả tiềm năng này, tháng 12/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1239/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Tổ chức khai thác bay dù lượn gắn với phát triển du lịch tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tất nhiên, để đảm bảo cho sự phục hồi, tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng.
Quảng bá, xúc tiến hình ảnh “Kon Tum - An toàn, thân thiện, mến khách”. Tổ chức phát động chương trình người Kon Tum đi du lịch trong tỉnh; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp… đi tham quan, du lịch tại các điểm đến trong tỉnh.
Đổi mới phương thức xúc tiến, truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Kon Tum dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại 4.0 và bắt kịp xu hướng ứng dụng mạng xã hội .
Đẩy mạnh liên kết, kết nối các tỉnh, thành phố trong xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương, các điểm đến trong cả nước.
Trong 2 tháng đầu năm, tổng số khách du lịch 2 tháng đạt khoảng 175.000 lượt (bằng 204,1% so với cùng kỳ năm 2021). Thống kê trên cho thấy tín hiệu lạc quan trở lại cho du lịch nội địa. Nếu tình hình kiểm soát dịch và xu hướng tâm lý khách hàng vẫn được duy trì thì du lịch Kon Tum sẽ hồi phục thành công- chủ một doanh nghiệp lữ hành nhận định.
Tôi cũng tin như vậy!
Hồng Lam