Để hủ tục không cản bước phát triển
Những hủ tục, phong tục, tập quán lỗi thời, lạc hậu là rào cản đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi cộng đồng, địa phương. Việc xác định và từng bước loại bỏ các hủ tục ra khỏi đời sống của đồng bào các DTTS là cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, địa phương.
|
Quyết định 385/QĐ-UBND (ngày 1/7/2022) của UBND tỉnh ban hành Danh mục các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân.
Theo đó, 14 hủ tục, phong tục không còn phù hợp cần bài trừ, xóa bỏ hoàn toàn hoặc một phần đã được nêu ra, chỉ rõ về tính chất, mức độ ảnh hưởng, sự cần thiết phải xóa bỏ. Trong đó, có 6 hủ tục gồm: Kiêng cữ cái chết xấu; cúng ốm đau và khấn cầu thần linh; kiêng kỵ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở dưới, bên trong kho thóc; thuốc thư; hôn nhân cận huyết; tảo hôn. 8 phong tục không còn phù hợp là: Nợ miệng; ăn uống kéo dài trong các dịp tang ma, cưới hỏi, lễ hội; thả rông gia súc, gia cầm; củi hứa hôn; tưởng nhớ và cho người chết ăn; để người chết lộ thiên trên sạp trong tang ma; sinh đẻ tại nhà; ngủ “đầm” (ngủ rẫy).
Đây chính là cơ sở để các ngành, địa phương nhận diện và đề ra các giải pháp tuyên truyền, khắc phục một cách hiệu quả.
Có thể nói, với 55,1% dân số là đồng bào DTTS, mỗi dân tộc đều có giá trị văn hóa độc đáo, tạo nên nét đa dạng về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nhưng rõ ràng, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều tập tục trở nên lạc hậu, lỗi thời, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội cần phải loại bỏ.
Thời gian qua, triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS, với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trên địa bàn xóa bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu. Đồng thời duy trì, phát huy những tập quán hay, nét văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc, đảm bảo sự hài hòa giữa kế thừa và phát triển, xây dựng nếp sống văn minh. Nhiều lễ hội văn hóa, nghề truyền thống, phong tục tốt đẹp, tiến bộ được khôi phục, giữ gìn và phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Đặc biệt, hơn 1 năm qua, việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã “thổi làn gió mới” vào đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, hàng ngàn hộ DTTS đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những tập tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, do một số phong tục, tập quán đã hình thành từ lâu đời, trình độ dân trí của người dân còn thấp cùng với tư tưởng không muốn thay đổi của một số người nên ở nhiều vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục lạc hậu, đặc biệt là các hủ tục, phong tục mang tính tâm linh.
Những hủ tục, phong tục thường mang yếu tố mê tín, dị đoan, gây tốn kém về kinh tế đối với các gia đình, làm mất vệ sinh môi trường, làm suy giảm nòi giống, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của người dân, gây mất đoàn kết trong cộng đồng. Nhìn rộng hơn, việc tồn tại những tập tục lạc hậu đã làm cản trở sự phát triển của mỗi cộng đồng và các địa phương.
Nhằm đẩy mạnh công tác xóa các phong tục, tập quán lạc hậu tại địa phương, ngày 18/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh. Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định 385/QĐ-UBND (ngày 1/7/2022) công bố danh mục 14 hủ tục, phong tục không còn phù hợp cần tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ là cụ thể hóa mục tiêu, quyết tâm thực hiện vấn đề này để xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ trong các vùng đồng bào DTTS.
Xóa bỏ các tập tục lạc hậu là việc làm quan trọng, giúp người dân đẩy lùi một khoảng tối trong suy nghĩ, tư tưởng để không cản bước sự phát triển. Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng và khó có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”, do đó, cần có sự chung tay, chung sức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, để từng bước làm thay đổi nhận thức, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ với những giải pháp linh hoạt, phù hợp với mỗi địa bàn, dân tộc.
Thiên Hương