Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là trọng tâm để đột phá; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 18/5/2022 của Tỉnh ủy tiếp tục xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, có tiềm năng phát triển du lịch như núi Ngọc Linh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm trong đó có sâm Ngọc Linh; cột mốc Ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia; khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông - được mệnh danh thiên đường sinh thái với không khí trong lành, quanh năm mát mẻ.
Đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch đúng hướng, hiệu quả, có sức cạnh tranh thì phải dựa trên những tài nguyên thiên nhiên, những giá trị riêng mang lại cho du khách, nhằm tạo động lực để phát triển. Do đó, việc xây dựng, định vị và phát triển thương hiệu du lịch Kon Tum là cần thiết, nhằm xây dựng cho Kon Tum một điểm đến phản ánh đúng tiềm năng, giá trị sản phẩm du lịch của địa phương.
|
Theo ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong những năm qua, để phát triển du lịch, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức cá nhân trong hoạt động du lịch. Đặc biệt, một số sản phẩm du lịch nổi bật đã được tỉnh xây dựng và duy trì tốt như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch văn hóa - tâm linh... Đây cũng là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn, khác biệt của hoạt động du lịch Kon Tum.
Phát huy các lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa của tỉnh để xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh; xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên thiên nhiên còn hoang sơ, truyền thống văn hóa còn lưu giữ, bản tính hiền lành và hiếu khách của cộng đồng các dân tộc ở các địa phương; tổ chức các tour du lịch gắn với thương hiệu sâm Ngọc Linh; xây dựng các thương hiệu du lịch văn hóa các với nhà rông tại các làng của cộng đồng dân tộc Ba Na, Giẻ Triêng, Xơ Đăng…; các tour du lịch gắn với ẩm thực vô cùng đặc sắc tại các làng văn hóa du lịch của các dân tộc bản địa tại Kon Tum.
Biến tiềm năng, lợi thế trở thành cơ hội, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum mang tính đặc trưng riêng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định "Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình" là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, "Phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum mang tính đặc trưng riêng, vươn tầm trong nước và quốc tế".
|
Ngày 18/5/2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong cả nước, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người; tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030 phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch; tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 15% GRDP của tỉnh.
Để đạt mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc phát triển du lịch của địa phương. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; ban hành cơ chế, chính sách; huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, cần phải quy hoạch lại hệ thống du lịch và các điểm đến du lịch của Kon Tum, phải được kết nối vào trong quy hoạch du lịch và điểm đến du lịch của Quốc gia; tiếp tục phát huy lợi thế của du lịch cộng đồng, tôn tạo các di sản để chờ đón và thông qua du lịch cộng đồng tạo ra một điểm nhấn, thu hút du khách tìm đến với Kon Tum.
Quốc Tuấn