Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch
Nhằm quảng bá tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh, trong khuôn khổ Tuần Văn hoá – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018, Ban tổ chức đã có nhiều hoạt động như: Khai trương gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của các địa phương trong tỉnh và tỉnh bạn, liên hoan văn hoá ẩm thực… và đặc biệt là giới thiệu 2 tuyến du lịch mới, tổ chức các tour dã ngoại.
Sáng 14/2, sau 2 tiếng đồng hồ theo Quốc lộ 14, Quốc lộ 40B và Tỉnh lộ 672, từ thành phố Kon Tum chúng tôi đã đến UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông.
Tại đây, đại diện Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, huyện Tu Mơ Rông đã giới thiệu tiềm năng du lịch của xã Măng Ri nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung, đồng thời, giới thiệu tuyến du lịch mới mang tên: “Chinh phục đỉnh Ngọc Linh, gắn với tham quan vườn sâm Ngọc Linh”.
|
Ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết: Xã Măng Ri có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch dã ngoại như: diện tích vườn sâm Ngọc Linh lớn, làng Pu Tá của người Xơ Đăng, Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy, ruộng bậc thang… Việc giới thiệu tuyến du lịch mới sẽ góp phần quảng bá sâm Ngọc Linh, phát triển kinh tế, đồng thời giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn xã.
Ngay sau lễ giới thiệu, các đại biểu đã tham quan Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại làng Pu Tá.
Băng qua những cánh đồng lúa bậc thang vừa mới gieo, đoàn đại biểu đặt chân đến làng Pu Tá, đây là nơi sinh sống của 54 hộ đồng bào Xơ Đăng.
Bên cạnh những con đường bê tông khang trang, sạch sẽ là những ngôi nhà sàn bằng gỗ truyền thống của người Xơ Đăng. “Cảnh quan nơi đây rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng” – một đại biểu của Hiệp hội Du lịch tỉnh Đăk Lăk nói.
Vừa tản bộ vừa tham quan, chúng tôi còn được ghé thăm nhà và xem ông A Hin - người thợ rèn 63 tuổi của làng Pu Tá biểu diễn tài nghệ rèn của mình. Ông A Hin chia sẻ, ông làm nghề rèn từ năm 1977, nhờ thường xuyên truyền dạy cho con cháu, đến nay, cả làng Pu Tá có hơn 10 gia đình biết nghề rèn này.
Sau khi tham quan làng, cả đoàn được nghỉ ngơi trong không gian ấm cúng của những ngôi nhà sàn truyền thống, được tìm hiểu những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của dân tộc Xơ Đăng qua những làn điệu dân ca, đàn t'rưng, đàn klông pút; thưởng thức đặc sản ẩm thực hấp dẫn như: gà nướng, cơm lam, thịt heo kho sâm dây, canh lá chua rừng, măng trộn thịt nướng ống lồ ô, rượu cần…
Trong ngày 15/12, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Sa Thầy tổ chức lễ giới thiệu tuyến du lịch mới mang tên “Khám phá tuyến du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray” tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy.
Anh Trần Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật và du lịch sinh thái (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray) cho hay: Trước đây, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đều có các tour ngắn ngày hoặc nhiều ngày cho khách du lịch trong nước và nước ngoài. Nhân dịp này, ngoài việc giới thiệu những điểm du lịch sinh thái mới của Vườn Quốc gia, đơn vị chúng tôi còn được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu để hoàn thiện hơn trong việc tổ chức các tour tham quan và quảng bá du lịch của đơn vị một cách hiệu quả.
Ngay sau lễ giới thiệu, các đại biểu đã tham quan Vườn phong lan nơi đang lưu trữ 115 giống phong lan quý hiếm bậc nhất Việt Nam và tham quan Trung tâm Cứu hộ động vật nơi đang chăm sóc cho 96 loài động vật thuộc nhóm quý hiếm bị thương trong các vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh hoặc do người dân tự nguyện giao nộp.
Đi bộ xuyên qua nơi giao thoa giữa rừng phục hồi và rừng nguyên sinh, chúng tôi đến trạm dừng chân Cây Sấu nằm cạnh bờ suối Ya Tro. Nơi đây, Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray xây dựng 2 nhà sàn cùng công trình phụ với tổng diện tích 200m2, xung quanh là những cây cổ thụ xen kẽ với những cây gỗ quý đặc trưng của Vườn Quốc gia như: dổi, đinh hương…
Vì hệ sinh thái động thực vật phong phú, xung quanh trạm dừng chân còn xuất hiện nhiều cây ăn quả rừng như: dâu da, xoài, chôm chôm… đây là nguồn thức ăn thu hút nhiều động vật về sinh sống, là cơ hội để khách du lịch có thể quan sát được một số động vật như: khỉ, chim trĩ, phượng hoàng… khi nghỉ ngơi tại trạm dừng chân.
|
Sau khi nghỉ ngơi và ăn trưa, đoàn tiếp tục di chuyển thêm 700m đường rừng để đến thác Ya Ray (thác khỉ). Khung cảnh hùng vĩ của ngọn thác cao hơn 30m, rộng 20m khiến mọi người trong đoàn cảm thấy phấn khích, quên hết mệt mỏi khi vừa đi bộ một quãng đường khá xa.
Ngồi nghỉ bên gốc cây với đường kính 3-4 người ôm, chị Dương Thị Thu Thuỷ - Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vui vẻ nói, Sa Thầy có nhiều điều kiện để phát triển du lịch vì nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, rừng nguyên sinh, cùng những bản sắc văn hoá truyền thống của các làng đồng bào DTTS như làng Bar Gốc, ở xã Sa Sơn. Ngoài ra, cung đường di chuyển từ thành phố Kon Tum đi huyện Sa Thầy ngắn và rất đẹp, điều này tạo thuận lợi rất nhiều cho khách du lịch.
Đồng quan điểm với chị Thuỷ, anh Đào Xuân Thuỷ - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cũng cho rằng, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có nhiều tiềm năng du lịch như thác nước, rừng nguyên sinh… việc giới thiệu tuyến du lịch mới này là cơ hội để Chư Mom Ray chúng tôi quảng bá du lịch, thu hút đầu tư. Nếu du lịch nơi đây phát triển, sẽ từng bước nâng cao thu nhập của người dân, thu hút vai trò của người dân trong việc tham gia bảo vệ thiên nhiên gắn với du lịch.
Trong 2 ngày 16 - 17/12, Sở Văn hoá Thể Thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi, huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông tổ chức các tour tham quan cho các đại biểu gồm: làng văn hoá du lịch Kon Kơ Tu, tham quan các di tích lịch sử, kiến trúc văn hoá (Ngục Kon Tum, Bảo tàng tỉnh, Nhà thờ gỗ, Toà giám mục) của thành phố Kon Tum; Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Cột mốc 3 biên, làng văn hoá Đăk Mế, làng văn hoá Đăk Răng, làng văn hoá Đăk Nông của huyện Ngọc Hồi; Làng văn hoá Kon Du, làng văn hoá Kon Sờ Kôi, điểm du lịch Epic Spa của huyện Kon Rẫy; hồ Đăk Ke, thác Pa Sỹ, chùa Khánh Lâm, điểm du lịch cộng đồng Kon Bring, điểm du lịch sinh thái Hoàng Vũ Măng Đen, vườn dâu tây của huyện Kon Plông...
Ông Lê Hoàng Ngọc Vũ – Phó trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch), thành viên Ban tổ chức Tuần Văn hoá – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018 cho biết: Nhiều du khách và các đại biểu trong, ngoài tỉnh lần đầu tiên biết đến các điểm du lịch này. Qua quá trình tham quan, khảo sát, hầu hết mọi người đều phản hồi tích cực và cảm nhận rằng, những điểm du lịch mới mẻ, hấp dẫn, có sản phẩm du lịch riêng của địa phương và là những điểm du lịch đáng chú ý mỗi khi đến với Kon Tum.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tốt không chỉ mang lại hiệu quả ở góc độ thu hút khách du lịch, mà còn là cơ hội để học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch. Qua việc giới thiệu các tuyến du lịch mới và tổ chức các tour du lịch dã ngoại trong Tuần Văn hoá – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4, hy vọng rằng du lịch Kon Tum sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Đức Thành