Đăk Hà: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng
Thời gian qua, huyện Đăk Hà đặc biệt quan tâm, đầu tư nhiều nguồn lực nhằm góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả những giá trị của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
Ông Trần Anh Dũng - Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đăk Hà cho biết: Thời gian qua, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Đăk Hà được chính quyền và ngành Văn hóa- Thông tin huyện chú trọng triển khai. Các hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều phong trào, hoạt động thiết thực đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Trong đó, việc nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hóa cồng chiêng của đồng bào DTTS được chú trọng đúng mức; đã có hàng chục lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên được duy trì tổ chức; những bài chiêng, xoang có nguy cơ thất truyền trong các dịp lễ hội được sưu tầm, phục dựng; nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tạo môi trường để phục dựng các tiết mục văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát triển các nét đẹp văn hóa được đẩy mạnh; người dân đã dần hiểu những giá trị đích thực của văn hóa truyền thống và chủ động tham gia vào công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng.
Bám sát những yêu cầu của Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020”, huyện Đăk Hà đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, huyện Đăk Hà xác định “lấy công tác tuyên truyền làm nòng cốt” và tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để khơi gợi niềm đam mê với văn hóa cồng chiêng, múa xoang trong đồng bào DTTS tại chỗ. Ngoài ra, UBND huyện quan tâm chỉ đạo ngành Văn hóa- Thông tin huyện đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa cồng chiêng hiện có trên địa bàn; tổ chức phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc; truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ trên địa bàn...
|
Đến nay, toàn huyện Đăk Hà có 96 bộ cồng chiêng (trong đó 46 bộ cồng chiêng cá nhân, 50 bộ của tập thể); số thôn DTTS có bộ cồng chiêng tập thể là 43 thôn/47 thôn. Nhằm góp phần khuyến khích các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, UBND huyện thường xuyên tổ chức biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc ở lĩnh vực này. Đồng thời, tổ chức rà soát đề nghị công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.
Huyện Đăk Hà cũng đã tổ chức 52 lớp truyền dạy cồng chiêng xoang và duy trì tập luyện 90 đội cồng chiêng, xoang (trong đó có 38 đội cồng chiêng người lớn, 52 đội cồng chiêng thanh thiếu niên); 45 thôn/47 thôn DTTS có đội cồng chiêng thanh thiếu niên. Việc tổ chức tốt các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ người đồng bào DTTS biết tôn trọng, tự hào bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…
Huyện Đăk Hà đang đẩy mạnh việc huy động nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn lực xã hội hóa để trao tặng cồng chiêng cho các thôn chưa có cồng chiêng hoặc cồng chiêng đã hư hỏng, xuống cấp; tăng cường quảng bá văn hóa cồng chiêng tại những sự kiện chính trị- văn hóa của địa phương gắn với phát triển du lịch; duy trì tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc, Liên hoan cồng chiêng thanh thiếu niên trên địa bàn huyện.
“Thời gian tới, huyện Đăk Hà sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình của Trung ương và tỉnh về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các DTTS, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng xoang. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của văn hóa cồng chiêng trước sự phát triển của xã hội hiện đại. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể trong việc gìn giữ, bảo vệ cồng chiêng, đưa việc giáo dục di sản văn hóa cồng chiêng vào trong trường học một cách phù hợp; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách tâm huyết, hiểu biết văn hóa, con người Tây Nguyên nói chung và văn hóa cồng chiêng, xoang nói riêng; chú trọng đào tạo cán bộ, công chức là người DTTS; phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng và vai nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang... trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng” - ông Trần Anh Dũng cho biết.
Hoàng Thanh