Cồng chiêng đón khách
Có dịp tìm hiểu đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, hầu như chưa thấy lưu truyền bài cồng chiêng cổ có tên “đón khách”, song thực tế đây vẫn là nét đẹp được lan tỏa.
Nhiều già làng và nghệ nhân cao niên đều xác nhận rằng: Từ xa xưa, làng là đơn vị hành chính đầu tiên và duy nhất của đồng bào các DTTS trong tỉnh. Hằng năm, các lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng thường diễn ra trong phạm vi làng, với chủ yếu là người trong làng. Việc vui hay chuyện buồn của mỗi gia đình cũng được người làng sẵn lòng chia sẻ, góp mặt. Vì vậy, chỉ trong phạm vi “làng”, thì “đón khách” không hẳn là vấn đề cần quan tâm. Bởi lý do này, trong số các bài chiêng cổ được phổ biến của các DTTS Bắc Tây Nguyên, không có bài (hay điệu) chiêng đón khách.
Cồng chiêng đón khách, theo quan sát, ghi nhận, thực sự chỉ xuất hiện vào giai đoạn phát triển, khi văn hóa truyền thống được coi trọng bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống và nhu cầu giao lưu giữa các cộng đồng ngày càng trở nên quen thuộc; các lễ hội hay sự kiện văn hóa - xã hội của cộng đồng ngày càng thu hút các làng “láng giềng” và đại biểu các cấp ngành, đơn vị, địa phương tham dự. Thêm vào đó, sự hình thành, phát triển các loại hình du lịch (sinh thái, cộng đồng, khám phá - trải nghiệm) khiến cồng chiêng - xoang càng được quan tâm, yêu thích.
|
Có thể nhận thấy, cồng chiêng đón khách ra đời, như một nhu cầu tất yếu, trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Với cách “lý giải” này, già A Bên ở làng Kon Xơ Mluh (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) nhìn nhận: Khi cồng chiêng đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong sinh hoạt, đời sống của dân làng, thì trong các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa, đội cồng chiêng của làng thường bắt đầu diễn tấu bằng những nhịp chiêng đón khách. Vì không có hẳn một bài riêng, nên những giai điệu này khá linh hoạt, thoải mái, mang tính ngẫu hứng. Đó có thể là một đoạn cồng chiêng mừng nhà rông, hay trong lễ ăn trâu, hoặc mừng lúa mới. Cốt sao, là những giai điệu cồng chiêng vui tươi, tưng bừng, hợp với bối cảnh đông vui, sôi động.
Dân làng Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) được biết đến với bài chiêng đón khách lôi cuốn, hấp dẫn, nhờ phát triển từ nhịp chiêng lâu đời của người Mơ Nâm vùng Đông Trường Sơn. Song theo nghệ nhân A ĐRuế, ít ai biết rằng, cồng chiêng đón khách trong các lễ hội hiện nay có nguồn gốc từ bài chiêng dân dã, tạm gọi là “Mu nê Ka pua ọ ta trơh nem nhin”, dùng để đón khách đến chơi trong dịp mừng gia chủ có nhà mới. Cồng chiêng đón khách với các giai điệu tự nhiên, phóng khoáng, nét mặt tươi vui, hồ hởi của người đánh là lời mời thân thiện, lời chào hồn nhiên, như cuốn mọi người vào vòng xoang cộng đồng.
Dẫu chủ yếu được hình thành trong đời sống mới, song theo Nghệ nhân ưu tú A Thút (thôn Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) thì vì trân trọng, quý mến, nên cồng chiêng đón khách của dân làng không chỉ tươi vui mà còn trang trọng. Không đợi khách vào đến sân nhà rông mới tấu nhạc, mà đội cồng chiêng thường chỉnh tề đứng đón từ đầu làng (hay cổng làng) với phần diễn tấu mở màn. Chưa chính thức vào lễ hội, các vị khách đã được thưởng thức màn cồng chiêng đầy thiện cảm.
Khởi phát trên nền các bài cồng chiêng cổ, cồng chiêng đón khách chính là sự linh hoạt, sáng tạo của các nghệ nhân, thể hiện tình cảm của đồng bào các DTTS với cộng đồng, xã hội. Điều đó như góp thêm vào truyền thống một nét đẹp mới, tuy giản dị nhưng đầy ý nghĩa trong sinh hoạt, đời sống hiện đại, với những giá trị văn hóa dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy.
NGHĨA HÀ