Cô giáo truyền đam mê nhạc cụ dân tộc cho học trò
Từ tình yêu nhạc cụ dân tộc, cô giáo HToanh (36 tuổi, giáo viên môn Âm nhạc, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) đã mở lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho học sinh trong trường. Qua đó, các em có sân chơi lành mạnh, trao truyền, giữ gìn nét đẹp văn hóa nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na.
Với đam mê âm nhạc từ nhỏ, cô HToanh đã theo học chuyên ngành Sư phạm âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (nay là Trường Cao đẳng Kon Tum). Đến năm 2010, cô HToanh tốt nghiệp và được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đến nay. Nhiều năm công tác tại trường, cô luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; xây dựng không gian học tập vui vẻ, thú vị cho học sinh. Đặc biệt, 3 năm qua, cô đã mang “ngọn lửa” đam mê và kiến thức nhạc cụ dân tộc truyền dạy cho nhiều học sinh, tham gia dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ các dịp lễ lớn, nhỏ của trường.
Cô HToanh chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha cho tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Và tôi say mê, yêu thích những thanh âm ngân nga, trầm bổng của đàn T’rưng. Tuy nhiên, thời điểm đó, gia đình chưa đủ điều kiện mua đàn đi học. Đến khi tốt nghiệp Cao đẳng tôi mới có tiền mua bộ đàn T’rưng để đăng ký học bài bản. Sau khi học thành thạo, tôi đi biểu diễn ở các chương trình văn nghệ, hội diễn của thành phố để nâng cao kỹ năng. Đến nay, tôi đã thuộc lòng hơn 20 - 30 bài diễn tấu từ đàn T’rưng”.
|
Theo cô HToanh, hầu hết học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là người Ba Na nhưng không em nào biết đến nhạc cụ dân tộc. Cũng chính vì thế, cô quyết định mở lớp dạy nhạc cụ cho các em, giúp các em gắn kết, có sân chơi lành mạnh, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Vào sáng thứ 5 hàng tuần, khi đến giờ hoạt động trải nghiệm là từng tốp 20 - 30 em học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 chờ nhau để được cô HToanh hướng dẫn cách chơi đàn t’rưng. Để có đàn T’rưng cho học sinh thực hành, cô HToanh phải tự bỏ tiền túi hơn 6 triệu đồng mua bộ đàn. Và cứ đến buổi học, cô lại tự mình mang đàn từ nhà đến trường. Tuy hơi vất vả nhưng được nhìn thấy học trò của mình đam mê và chăm chỉ học nên cô cũng quên đi mà cố gắng từng ngày “truyền lửa” tình yêu nhạc cụ dân tộc cho học sinh.
Dưới sự hướng dẫn của cô HToanh, nhiều học sinh trong trường hăng say luyện tập. Đặc biệt, ai chưa đúng thao tác, kỹ năng cơ bản cô đều nhẹ nhàng truyền dạy, điều chỉnh cho phù hợp. Những câu hỏi về nhạc cụ dân tộc, về văn hóa truyền thống Ba Na cũng được cô giải đáp cặn kẽ. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô HToanh, học sinh đã nhanh chóng chơi thuần thục các bài “Gặt lúa đông xuân”, “Mừng chiến thắng”, “Em đẹp như hoa pơ lang”.
Em Y Mina - lớp 5B, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu phấn khởi nói: “Lúc đầu, em thấy học đàn T’rưng tương đối khó, nhưng được cô HToanh hướng dẫn tận tình, em đã đánh thuần thục nhiều bài. Khi nhà trường tổ chức văn nghệ, em tham gia biểu diễn và nhận được sự cổ vũ, khen ngợi của thầy, cô giáo. Nhờ cô HToanh truyền dạy mà em càng cảm thấy yêu thích nhạc cụ dân tộc mình”.
|
Nhìn cách cô HToanh ân cần hướng dẫn học trò từ tư thế, cách chơi đàn mới hiểu vì sao học sinh lại thích thú và chăm chỉ tham gia lớp học đến thế. Trong quá trình dạy, cô HToanh chăm chú quan sát từng cử chỉ, thao tác, kỹ năng của học trò để điều chỉnh. Đặc biệt, trong lúc học, cô còn đan xen những câu chuyện vui, tạo sự gần gũi với các em nên không khí lớp học lúc nào cũng rộn ràng. Không chỉ dạy ở trường, cô còn nhận dạy kèm miễn phí tại nhà cho 5 em học sinh trong trường có niềm đam mê đàn T’rưng.
Ngoài đàn T’rưng, cô HToanh còn kết hợp với nghệ nhân ở làng để mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho toàn bộ học sinh trong trường. “Mỗi lần lên lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho học sinh, mình thấy rất vui. Vui vì các em còn đam mê âm nhạc, nhạc cụ truyền thống của dân tộc và có cơ hội tiếp xúc khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường”- cô HToanh cho biết.
Với việc làm của mình, nhiều năm liền cô HToanh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp trường và thành phố.
Cô Trần Thị Quế Trâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nhận xét: “Cô HToanh yêu nghề mến trẻ, chuyên môn vững vàng, không chỉ tham gia tốt công tác giảng dạy ở lớp mà còn đam mê nhạc cụ dân tộc. Nhiều năm qua, cô đã truyền tình yêu âm nhạc, chia sẻ những hiểu biết về nhạc cụ dân tộc cho học sinh trong trường. Từ đó, tạo được sự gắn kết học sinh với nhau, tăng cường sự giao lưu và khơi dậy niềm tự hào, tình yêu đối với nhạc cụ dân tộc; nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc”.
Nay Săt