Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh
Những năm qua, tỉnh ta thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động trong lĩnh vực du lịch. Qua đó, từng bước góp phần đảm bảo nguồn nhân lực du lịch phát triển ổn định, bền vững, tăng về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, du lịch trong tình hình mới, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tỉnh ta có nhiều điều kiện về tự nhiên, con người để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp du lịch còn hạn hẹp, công tác xã hội hóa về du lịch chưa cao nên đã ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư, phát triển trong lĩnh vực du lịch, trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Vì vậy, dù nhiều tiềm năng nhưng nhân lực trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn chưa nhiều, trình độ chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Đỗ Văn Minh- Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Ngành VH,TT&DL đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở lĩnh vực du lịch trên địa bàn, trong đó chú trọng lực lượng làm công tác quản lý nhà nước, quản trị, người lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch. Các chương trình, đề án hướng đến bồi bưỡng, nâng cao kỹ năng, kiến thức gắn với nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, tạo sinh kế cho cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kiểm tra, giám sát để quản lý và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an ninh, an toàn trong các hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, quản lý doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch”.
|
Theo đó, ngành VH,TT&DL tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về du lịch như: Lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên tại điểm du lịch; Lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh Kon Tum... Các lớp tập huấn bồi dưỡng này góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch có những định hướng phát triển phù hợp trong tình hình mới; lồng ghép linh hoạt, hiệu quả từ các nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS đã phát huy hiệu quả tích cực.
Anh A Phong – Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng thôn Kon Trang Long Loi (trị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cho biết: “Qua các lớp tập huấn được tham gia, tôi được học rất nhiều kỹ năng hữu ích để áp dụng trong hoạt động du lịch, như kỹ năng giao tiếp, cách xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, các kỹ năng thuyết minh, hấp dẫn du khách... Từ những kiến thức học được, tôi về hướng dẫn lại cho các thành viên trong Tổ để tự trau dồi, ứng dụng vào thực tế công việc. Bên cạnh đó, tôi hiểu rằng các sản phẩm du lịch phải gắn với văn hóa bản địa, truyền thống thì mới phát huy hiệu quả và bền vững”.
Ông Phạm Viết Thạch- Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: “Qua các đợt tổ chức tập huấn của Sở VH,TT&DL, huyện Kon Rẫy đã phối hợp cử cán bộ, công chức, nhân lực làm trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tham gia đầy đủ. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn, sinh hoạt kỹ năng, nghiệp vụ du lịch sát với nhu cầu thực tế. Qua đó, trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, cách thức làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo sinh kế cho cộng đồng bản địa”.
Hiện tại, toàn tỉnh đang cấp phép và quản lý hoạt động 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch (2 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 3 doanh nghiệp lữ hành nội địa); quản lý và cấp 29 thẻ hướng dẫn viên du lịch (14 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 9 thẻ hướng dẫn viên nội địa, 6 thẻ hướng dẫn viên tại điểm). Đến nay, có 12 điểm du lịch cấp tỉnh đã được công nhận và nhiều điểm, khu du lịch tiềm năng khác đang được rà soát để bổ sung. Hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đang được xúc tiến mạnh mẽ, kéo theo đó nhu cầu về nhân lực trên địa bàn đang ngày một tăng cao và không ngừng tăng về chất lượng.
Các số liệu thống kê về hoạt động kinh doanh du lịch trong 7 tháng đầu năm 2023 cho thấy, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, số lượng du khách và thu nhập du lịch ngày càng tăng. Tổng lượt khách đến tỉnh trong 7 tháng năm 2023 đạt 1.047.200 lượt khách (tăng 120,37 % so với cùng kỳ); trong đó lượng khách quốc tế đạt 2.116 lượt; tổng doanh thu chuyên ngành đạt 410 tỷ đồng (tăng 182,07 % so với cùng kỳ); công suất phòng đạt 65% (tăng 155% so với cùng kỳ).
Ông Đỗ Văn Minh cho biết thêm: “Trong thời gian tới, để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng, tỉnh hướng đến lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng kỹ năng thực hành, nâng cao kinh nghiệm thực tế; hội nhập với khu vực và thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, các hội nghị, chương trình về phổ biến các quy định pháp luật về du lịch, gặp gỡ doanh nghiệp du lịch...”.
Hoàng Thanh