Bảo tồn văn hóa truyền thống từ cộng đồng dân cư
Giữ gìn bản sắc dân tộc nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói riêng là quá trình lâu dài, bền bỉ, bắt nguồn từ mỗi thôn, làng và gắn liền với tâm huyết, nhiệt tình của cộng đồng. Những năm qua, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII tại địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được kết quả đáng kể. Tuy vậy, hiện vẫn còn không ít vấn đề cần quan tâm, nhìn từ góc độ khu dân cư.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh hiện còn lưu giữ trên 1.800 bộ cồng chiêng. Trong tổng số 588 làng đồng bào dân tộc thiểu số, 279 làng có cồng chiêng. Nhà rông truyền thống hiện được khôi phục, phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại 441 làng.
Cùng với cồng chiêng của các gia đình, cồng chiêng được người dân tự nguyện đóng góp làm tài sản chung của làng để cùng sử dụng; các cấp ngành, địa phương trong tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn lực để trang bị, bổ sung cồng chiêng cho các thôn làng đặc biệt khó khăn, những khu dân cư không còn cồng chiêng vì lý do khách quan và chủ quan.
Theo ông Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch UBND xã Chư Hreng (thành phố Kon Tum), nhờ nguồn vốn tài trợ của Hà Lan, trong 2 năm 2014-2015, xã đã trang bị cho 4 làng đồng bào dân tộc Ba Na trên địa bàn mỗi làng một bộ cồng chiêng. Đến nay, tất cả 4 làng đều gây dựng được đội cồng chiêng - xoang các lứa tuổi. Làng nào cũng có nhà rông làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
“Còn mấy bộ cồng chiêng luôn đó, chung cũng có, riêng cũng có. Không tiếng cồng chiêng thì làm sao thành lễ thành hội được. Cả làng ai cũng vui hết…” - già A Gưch ở thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) phấn khởi khoe.
Cách đây hơn 3 năm, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Kon Tum, giải phóng miền Nam, nhà rông Kon Rờ Bàng đã được tu bổ, sửa chữa nhờ đóng góp công sức, vật liệu của bà con. Cho đến nay, nhà rông này vẫn là một trong số nhà rông đẹp theo lối kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na vùng Bắc Tây Nguyên được khôi phục.
|
Không chỉ tập trung mở lớp truyền dạy cồng chiêng - xoang, hỗ trợ khôi phục, tu bổ, sửa chữa nhà rông; các sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn quan tâm tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc.
Cùng với các liên hoan, lễ hội, giao lưu văn hóa dân gian thường xuyên được các cấp ngành, địa phương tổ chức; trên 20 lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm đã được phục dựng.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không ngừng chuyển biến tích cực; tuy vậy, hiện tại, vẫn còn một số vấn đề đáng lưu tâm từ cộng đồng dân cư.
Lâu nay, thôn Kon Hring, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum chỉ có một bộ cồng chiêng của gia đình ông A Ta. Mỗi khi thôn hoặc gia đình nào “có việc” đều mượn nhờ bộ cồng chiêng này. Tuy vậy, thời gian gần đây, bộ cồng chiêng hư hỏng nặng, không sử dụng được nữa. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018, Kon Hring vì thế vắng hẳn tiếng cồng chiêng, không bóng dáng xoang.
“Khó khăn quá, chưa mua được chiêng, chứ trong làng còn nhiều người biết đánh cồng chiêng lắm. Có chiêng thì sẽ tiếp tục tập cho lũ trẻ thôi…” - già làng A Chủ dè dặt.
Thôn trưởng A Dương không giấu mong mỏi được Nhà nước tạo điều kiện cấp cho thôn bộ cồng chiêng để phục vụ sinh hoạt văn hóa văn nghệ.
Kon Hring chỉ là một trong số hơn 300 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh chưa có cồng chiêng, chiếm hơn 50% tổng số thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó còn chưa kể, gần 30% thôn, làng chưa có điều kiện khôi phục nhà rông truyền thống.
Không riêng nét đẹp văn hóa mà các nghề truyền thống lâu nay dường như cũng bị lãng quên đối với không ít thôn, làng.
“Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cồng chiêng và truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang; tới đây, cần quan tâm mở thêm các lớp dạy nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát tre nứa, chế tác và sử dụng các nhạc cụ dân tộc truyền thống… Một số nghề truyền thống nếu không được quan tâm khôi phục, sẽ không tránh khỏi nguy cơ mai một, làm mất dần bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số” - vấn đề được bà Nguyễn Thị Thắm - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà nhìn nhận.
"Đề án bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020" được UBND tỉnh phê duyệt xác định mục tiêu đến năm 2020, 80% số làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh có cồng chiêng. Thực tế bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhìn từ góc độ cộng đồng dân cư đang đặt các cấp ngành, địa phương trước yêu cầu cần tập trung nguồn lực và tăng cường thêm những giải pháp tổ chức quản lý phù hợp đối với công tác này.
Bài, ảnh: Thanh Như