Mát lành canh bông xương rồng
Canh bông xương rồng là món ăn khá đặc biệt ở quê tôi. Không ai biết món canh này có từ bao giờ, chỉ biết đến nay vẫn còn nhiều người yêu thích, trong đó có gia đình tôi.
Gọi là khá đặc biệt vì tôi tin rằng ở nhiều nơi không có. Bằng chứng là khi tôi hỏi một số bạn bè ở các nơi khác về món canh này, họ đều tỏ ra ngạc nhiên: Bông xương rồng cũng ăn được á?
Tôi cũng… ngạc nhiên không kém: Quê bạn không có ư? Không chỉ ăn được mà còn rất ngon là đằng khác. Món ăn này thơm ngon, mát lành vào ngày nắng nóng và đặc biệt là hiếm có, bởi cây xương rồng thân leo này cũng không phải mọc đại trà, lại còn lâu năm lắm mới cho hoa, và ra hoa theo mùa.
Ngày bà ngoại còn sống, cứ đến ngày nắng nóng, đi đâu đó thấy nhà ai có bông xương rồng là lại xin về một ít để nấu canh tôm. Ngoại thích canh bông xương rồng vì vừa mềm, vừa mát, ăn vào dễ tiêu hóa, lại rất dễ ngủ, thích hợp với người lớn tuổi. Ngày nắng nóng mà có được bát canh bông xương rồng là cảm giác oi nồng sẽ nhanh chóng tan biến.
|
Bông xương rồng này không phải từ cây xương rồng thân đứng như mọi người thường thấy mà là xương rồng dại thân leo, hơi giống với thân cây thanh long. Nó nhìn rất khẳng khiu, như sắp… chết tới nơi, thường bò vắt vẻo lên tới ngọn các cây cổ thụ bên đường. Cây mọc tự nhiên, chẳng cần tưới nước, bón phân hay chăm bón gì, giống như thân tầm gửi và thường thì cũng chẳng mấy ai để ý đến.
Bởi thế mà hỏi ra cũng chẳng ai biết từ khi cây mọc lên đến khi ra bông là bao nhiêu năm. Chỉ biết là đến một ngày, bất chợt nhìn lên đọt me hay cây thị trong vườn nhà ai đó, hoặc trên những cây cổ thụ bên đường, có những bông hoa lớp ngoài màu xanh xòe những cánh hoa như những ngón tay búp măng hé lộ chùm nhụy trắng muốt, người ta mới trầm trồ, mới biết đến sự có mặt của nó.
Lúc ấy, chỉ cần hái vài ba bông hoa xương rồng về, gọt bỏ phần nhụy, rửa sạch, thái mỏng, nấu chung với ít tôm tươi, bóc vỏ, rửa sạch, giã nhuyễn là có được bát canh ngon lành.
Cách nấu canh bông xương rồng khá là đơn giản. Nguyên liệu chuẩn bị xong, chỉ cần bắc nồi nước thật sôi rồi cho bông xương rồng thái mỏng và ít tôm tươi đã giã nguyễn vào chừng vài phút thì tắt bếp, nêm nếm chút gia vị là có thể ăn ngay.
Ở quê, có khi người ta dùng bông xương rồng để chế biến món xào chay hay xào với thịt bò cũng rất ngon.
Không biết khoa học giải thích thế nào, còn theo suy nghĩ của riêng tôi, những loại rau, hoa chế biến thành món ăn mà có chất nhơn nhớt đều tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khả năng thanh lọc, giải nhiệt trong cơ thể, hoặc có thể hỗ trợ chữa các bệnh về xương khớp, giống như rau đay, rau mồng tơi vậy. Đang nóng trong người, thậm chí nổi cả mụn nhọt, ăn bát canh bông xương rồng hay các loại canh mồng tơi, rau đay là “hạ nhiệt” ngay.
|
Gia đình tôi ngày trước và bây giờ vẫn rất thích món canh bông xương rồng. Vậy nên hôm nào đi chợ "hên" mua được ít bông xương rồng là mẹ vui lắm. Nó không chỉ là món ưa thích mà có lẽ là cả một bầu trời ký ức của mẹ, vì ngày trước mẹ vẫn thường đi lùng sục để xin bông xương rồng về cho ngoại.
Ngày nắng nóng về quê được mẹ nấu cho bát canh bông xương rồng với tôm đất đầm nước lợ là ngon quên lối về. Trưa nắng có món canh tôm bông xương rồng, húp tới đâu mát tới đó, như trút hết cái nóng ra ngoài vậy. Những miếng bông xương rồng phần cánh hoa dai dai, nhớt nhớt, phần cuống hoa cắn giòn sật sật, sao mà ngon đến lạ lùng. Nước canh hơi sánh dẻo từ dịch hoa cộng thêm vị ngọt “thần thánh” của tôm đất là ngon thôi rồi.
Tôi không chắc mọi người sẽ đều thích món ăn này, nhưng có lẽ những ai có gu ăn uống đơn giản, dân dã thì sẽ thấy rất ngon.
Điều lạ là ở quê, cho đến bây giờ cũng không có ai trồng giống xương rồng này để lấy bông bán. Thỉnh thoảng đi chợ gặp một vài người ngồi bán vài mớ nhỏ, chắc nhà họ cũng có vài dây, ăn không hết nên bán bớt thôi. Nhiều người trẻ, vì không biết về món này nên thường bỏ qua, chỉ những người lớn tuổi, như ba mẹ tôi, hoặc thế hệ 8X như tôi mỗi khi nhìn thấy là mừng quýnh lên thôi.
Một mớ chừng 10 bông xương rồng có giá khoảng mười ngàn đồng. Mua được mớ bông xương rồng về khiến mọi người trong nhà vui cả ngày vì chắc hẳn hôm đó được món canh ngon.
Mấy lần ba mẹ tôi cũng xin chiết cành cây xương rồng thân leo này về trồng mà không hiểu sao cây không phát triển được. Có lẽ nào những thân cây của gia đình tôi cho nó tựa vào, cho nó bám víu để vươn lên không phải là cây me, cây thị chăng? Hoặc cũng có thể, loài xương rồng này chỉ quen với cuộc sống hoang dã, tự sinh sôi, tự đơm hoa.
Mấy ngày nay thời tiết nóng nực, dù đang mùa mưa, tự nhiên thấy nhớ, thấy thèm vị mát lành của bát canh bông xương rồng của mẹ.
Sông Côn