Đi qua hai “mùa Covid-19”
Mới đó, thấm thoắt đã qua hai “mùa Covid-19”. Và cái biệt danh “H- Covid” hay “Phóng viên Covid-19” mà mọi người đùa vui đặt cho tôi cũng đã theo tôi ngần ấy thời gian. Ban đầu nghe gọi, tôi có chút ngại ngùng, xen lẫn cảm giác “như bị kỳ thị”, nhưng đến giờ cách gọi đó lại đem đến cho tôi cảm thân quen, thậm chí còn thấy vui, vì mình đã có những đóng góp nhỏ bé trên “mặt trận thông tin” về dịch bệnh.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cùng với cả nước, Kon Tum bước vào một “cuộc chiến” vô cùng khẩn trương, cam go và đầy thử thách- “cuộc chiến” chống dịch Covid-19. “Cuộc chiến” mà chúng ta phải đối mặt với một “kẻ thù vô hình” nhưng vô cùng nguy hiểm - vi rút SARS-CoV-2.
Là phóng viên được phân công theo dõi thông tin về y tế, dĩ nhiên tôi trở thành “phóng viên thường trực Covid-19”.
Tôi của những tháng ngày qua dường như luôn phải ăn nhanh hơn, ngủ ít hơn, làm việc khẩn trương, di chuyển nhiều hơn để theo kịp yêu cầu của công việc.
Điện thoại của tôi mở 24/24h và luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận thông tin, lên đường nhận nhiệm vụ để đưa tin, viết bài phản ánh về công tác phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng. 2 năm tác nghiệp từ khu cách ly tập trung, khu phong tỏa đến chốt kiểm soát dịch, các ổ dịch tại cộng đồng…đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc, kỷ niệm khó quên.
|
Tôi nhớ vào cuối tháng 3/2020, lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức tiếp nhận 140 công dân nhập cảnh từ Lào về Việt Nam đưa vào cách ly tập trung tại Khu cách ly tại Trung Đoàn 990 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), tôi được cơ quan phân công đưa tin về sự kiện này. Dù biết rằng phải giữ khoảng cách nhưng với mong muốn có được những thông tin đầy đủ nhất, ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về việc đón tiếp, tổ chức cách ly, sàng lọc, phản ánh tâm tư của người dân...thế là tôi quên mất cự ly. Mỗi lần thấy tôi băng băng lại gần để phỏng vấn, chụp hình, anh bạn đồng nghiệp công tác ở Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh lại níu áo nhắc nhở, sợ tôi “say quá” mà nguy hiểm cho bản thân.
Một lần tác nghiệp khác mà đến giờ nhắc lại lòng tôi vẫn rưng rưng. Ngày 26/9/2021, tỉnh ta tổ chức đón 269 công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về tránh dịch- đó là một ngày đặc biệt với nhiều người, nhiều gia đình Kon Tum và cũng là một chuyến tác nghiệp nhiều cảm xúc với riêng tôi. 3h sáng tôi trở dậy, chuẩn bị hành trang rồi hẹn nhau với mấy anh em đồng nghiệp của các cơ quan báo chí khác cùng xuống Chốt kiểm soát dịch Sao Mai (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum).
Thấy anh em chúng tôi cứ quay quay, chụp chụp, mấy anh lái xe vào làm các thủ tục khai báo y tế đùa bảo: “4 -5 giờ, không ngủ đi xuống đây quay, chụp làm gì cho khổ”.
Sau hơn 1 giờ hết đứng lại ngồi, hết ra lại vào, khi nhìn thấy những chiếc xe khách xé màn sương mù dày đặc tiến đến và dừng tại đèo Sao Mai, ai cũng vỡ òa niềm vui, vì những người con của quê hương đã về đến nơi an toàn; dẫu rằng, trong đoàn người hôm ấy không có ai là người thân quen của chúng tôi.
Sau khi chờ làm xong các thủ tục phòng dịch tại Chốt, chúng tôi tiếp tục theo đoàn xe vào tận khu cách ly tập trung của thành phố Kon Tum tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Nhìn những bà mẹ trẻ ẵm con nhỏ, các bác cao tuổi chầm chậm bước xuống xe và cả những em bé lụng thụng trong bộ đồ bảo hộ ngơ ngác theo bố mẹ xếp hàng vào khu cách ly, khóe mắt tôi thấy cay.
Lần đưa tin về việc hỗ trợ, tiếp tế công dân từ các tỉnh phía Nam về quê đi qua địa bàn tỉnh cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Chứng kiến những người dân lấm lem, phờ phạc sau một hành trình dài chạy xe máy, những em bé mới mấy tháng tuổi được cha mẹ bao bọc kín để tránh mưa gió khóc ré vì đói, khát sữa; cả niềm hạnh phúc, lời cảm ơn của người dân khi được các lực lượng chức năng của tỉnh tiếp tế đồ ăn, thức uống, vật dụng cần thiết để lên đường… khiến tôi nghẹn lòng.
Và, khi lần đầu tiên tỉnh ta ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xảy ra tại xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà), nghe thông tin, tôi chỉ kịp gọi điện báo cáo cơ quan để đến “ổ dịch”. Mọi người đều lo lắng, dặn dò tôi phải cẩn thận, nhớ giữ an toàn.
Tôi cười xòa, khẳng định chắc nịch: “Em đã quen trận mạc rồi”.
Sau đó, chạy ra mua một bộ đồ bảo hộ, khoác chiếc ba lô đồ nghề rồi lên đường, trong đầu tôi chỉ có một mong muốn là làm sao đưa những hình ảnh, dòng thông tin chính xác, nhanh chóng và kịp thời đến bạn đọc.
Lúc làm việc không nghĩ nhiều, cũng không có thời gian để đắn đo, cân nhắc; nhưng đến khi xong xuôi, nếu ai đó hỏi tôi “có lo không”, tất nhiên tôi sẽ gật đầu mà nói “lo chứ”. Nếu ai đó hỏi tôi “có sợ không”, tôi cũng không ngần ngại mà nói rằng “sợ chứ”.
Dịch bệnh nguy hiểm như thế nào tôi hiểu rất rõ, rủi ro có thể xảy ra với bất kỳ ai. Càng lo lắng hơn khi tôi còn có 2 cậu con nhỏ. Rồi công việc khiến tôi thường xuyên phải di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Nếu không may tôi trở thành F1, tệ hơn nữa là F0 thì “hậu quả” sẽ vô cùng lớn.
Thế nhưng, không vì thế mà tôi né tránh, chỉ là luôn tự nhắc mình phải cẩn thận hơn, “nguỵ trang” kín đáo hơn khi tác nghiệp. Trong hành trang tác nghiệp của tôi “thời Covid-19” luôn có thêm một bịch khẩu trang, chai nước sát khuẩn tay, thêm bộ quần áo để dự phòng cho tình huống phát sinh nếu bị đi cách ly ngay. Tôi cũng hay nói “nửa đùa, nửa thật” nhắc nhở bạn bè “hãy tránh xa tôi ra, tôi đang rất nguy hiểm”.
Tác nghiệp trong mùa dịch, đằng sau những chuyến đi, những tin bài được đăng tải là những câu chuyện về nguy cơ và cả sự e dè, ái ngại của nhiều người khi biết mình ở trong “điểm nóng”. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy mình may mắn, tự hào khi được cùng đội ngũ tuyến đầu tham gia vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 của tỉnh; góp phần mang đến cho độc giả những hình ảnh, thông tin chân thực, đầy đủ về diễn biến của dịch bệnh, các giải pháp kiểm soát dịch bệnh của ngành chức năng và cả những vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng vũ trang… để mọi người thấu hiểu, chia sẻ và chung sức đẩy lùi dịch bệnh.
T.H