Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông
Với quyết tâm cao nhất, trong đợt ra quân lần này, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh không chỉ lập lại trật tự, kỷ cương giao thông đường bộ mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100 sau thời gian dỡ bỏ giãn cách.
Sau thời gian dỡ bỏ giãn cách, các loại phương tiện hoạt động mạnh trở lại thì việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có chiều hướng gia tăng. Tập trung lực lượng tăng cường xử lý vi phạm hành chính, lập lại trật tự an toàn giao thông theo Nghị định số 100 của Chính phủ là hết sức cần thiết.
Sau thời gian dài ưu tiên dồn mọi lực lượng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông là nòng cốt tại các chốt kiểm dịch, mọi hoạt động tuần tra kiểm soát, kiểm tra xử lý phương tiện giao thông bị chi phối do thiếu nguồn nhân lực. Do đó, việc thực hiện Nghị định 100 bị “chùng xuống” và tình hình trật tự an toàn giao thông chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại. Vì vậy, việc tăng cường kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ với quy mô trên toàn quốc được thực hiện hiện nay là hết sức cần thiết.
Tình hình trật tự an toàn giao thông có chiều hướng diễn biến phức tạp, phải chăng còn do một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan cho rằng lực lượng chức năng: “Quên” nên họ vô tư ăn nhậu, uống rượu bia, rồi điều khiển xe máy đi từ nơi nhậu về nhà hoặc tiếp tục đến các địa điểm khác để ăn nhậu. Việc này dễ dẫn đến nhiều hệ lụy, chính họ thường là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng cho gia đình và xã hội.
|
Theo thống kê của các ngành chức năng, trong 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù giãn cách xã hội, nhưng toàn quốc vẫn xảy ra 4.509 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.138 người, bị thương 3.305 người. Riêng trên địa bàn tỉnh ta từ đầu năm đến nay xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm 32 người chết, 18 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 8 vụ, tăng 6 người chết và tăng 5 người bị thương. Điều đó cho thấy, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp và cần lập lại trật tự.
Đó là nói về tai nạn giao thông. Còn tình trạng vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh lại càng nhiều. Theo thống kê, trong 5 tháng qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 8.695 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 2.678 phương tiện, 3.906 giấy tờ, xử phạt hành chính trên 5,193 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội và khi nới lỏng giãn cách, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đáng quan ngại.
Trước những diễn biến phức tạp trở lại của tình hình trật tự, an toàn giao thông, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ với quy mô trên toàn quốc được thực hiện từ ngày 15/5 đến 14/6.
Dư luận đặc biệt quan tâm đến đợt cao điểm tổng kiểm tra lần này, bởi lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc không chỉ tăng cường kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ mà còn tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn và sử dụng ma túy; chú trọng vào các lỗi gây nguy cơ tai nạn cao như đi sai làn đường, tránh vượt, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép…
Quyết tâm lập lại trật tự an toàn giao thông cũng như việc thực hiện Nghị định 100/CP trên địa bàn, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó, tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn; sử dụng ma túy; vượt sai làn đường, phần đường; không đội mũ bảo hiểm; đánh võng, lạng lách… và sẽ được triển khai tập trung vào khung giờ cao điểm trong ngày và khung giờ thường xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến tuần tra, kiểm soát.
Mục tiêu của đợt kiểm tra lần này là xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, lập lại trật tự an toàn giao thông, góp phần nâng cao ý thức của chủ phương tiện khi tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường bộ.
Những ngày bình thường, Cảnh sát giao thông chỉ xử lý người vi phạm theo kế hoạch chuyên đề, hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm mới dừng xe, nhưng trong thời gian tổng kiểm soát này, Cảnh sát giao thông sẽ được phép dừng tất cả xe để kiểm tra. Bởi có như thế, lực lượng Cảnh sát giao thông mới phát hiện các lỗi không thể hiện ra bên ngoài như chủ phương tiện thiếu các loại giấy tờ, buôn lậu hay tàng trữ vũ khí, ma tuý...
Đặc biệt, để chuẩn bị cho đợt tổng kiểm tra này, tùy theo từng vùng, từng tuyến, lực lượng Cảnh sát giao thông còn được trang bị camera hành trình gắn trên ôtô, camera gắn trên ngực áo và máy quay cầm tay để ghi lại toàn bộ hoạt động trong công tác, nhằm làm căn cứ xử phạt các hành vi vi phạm, chống đối. Và tất nhiên, các camera này sẽ góp phần đảm bảo việc công khai, minh bạch trong quá trình kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông.
Từ trước đến nay, việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương hay địa phương thường quyết liệt ngay từ những ngày đầu và duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, cũng đâu đó ở vài nơi, vài lúc, việc thực hiện vẫn còn mang tính “lấy lệ”, kiểu như “đánh trống bỏ dùi”, nên tạo ra ý thức “nhờn” pháp luật trong một bộ phận người dân.
Với quyết tâm cao nhất, trong đợt ra quân lần này, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh không chỉ lập lại trật tự, kỷ cương giao thông đường bộ mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100 sau thời gian dỡ bỏ giãn cách.
Hy vọng rằng, sau khoảng thời gian một tháng ra quân tổng kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông, ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100 sẽ ngày càng được nâng cao và thực hiện nghiêm, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu đáng kể tai nạn giao thông.
Dương Đức Nhuận