Thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 15/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký Quyết định số 1186/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo được thành lập trên cơ sở kiện toàn Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Kon Tum về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh (được thành lập theo Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh.
Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Trưởng ban thứ nhất là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối kinh tế tổng hợp; Phó Trưởng ban thường trực là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Các thành viên Ban Chỉ đạo là thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh; Nội vụ; Công Thương; Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Chi nhánh Kon Tum); Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh; Cục thuế tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Tùy thuộc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo có thể mời thêm lãnh đạo một số đơn vị, địa phương liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
|
Ban Chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh; triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh; thông qua phương án sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
|
Tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân; chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phục hồi và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.
Tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ban ngành và địa phương để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.
Đề xuất hướng xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cấp có thẩm quyền. Theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương; kịp thời khen thưởng, xử lý các tổ chức, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Hồng Lam