Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ
Sáng 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ họp phiên thứ tư bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan.
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Bưu điện tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, một số công chức thực hiện công tác CCHC của Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan.
Tại Phiên họp, các đại biểu được nghe Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ trình bày báo cáo chuyên đề về “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Đồng thời, công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022) và chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 (PAR Index 2022).
Tại tỉnh ta, chỉ số SIPAS 2022 của tỉnh là 78,39/100 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm 2021 và Chỉ số PAR Index 2022 là 81,35/100 điểm, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Trong thời gian qua, với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định hiện hành; đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; có hơn 25% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, với gần 700/5.200 TTHC trên 100 lĩnh vực.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế, gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Chính vì vậy, Phiên họp lần này, các bộ, ngành, địa phương tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân và rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển. Vì vậy, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc CCHC của đất nước, của bộ, ngành mình. Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh CCHC nói chung, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp nói riêng với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm, hành động của Chính phủ, đó là: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, chủ động sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Trần Văn Phúc