Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Sáng 21/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
|
Tại đầu cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Ngành Y tế đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu được giao và đạt được một số thành tựu nổi bật như: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,01% (năm 2021); Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ lĩnh vực y tế; tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt; tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân là tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,6 năm 2021; Việt Nam là quốc gia có số liều vắc xin phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới; Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu, làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3...
Ngành Y tế từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực như khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác được thực hiện hiệu quả; việc phòng, chống bệnh không lây nhiễm được quan tâm; hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường hồi phục sau hơn 2 năm phòng chống dịch Covid-19.
Ngành Y tế thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ở các tuyến, khuyến khích phát triển y tế tư nhân; mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền tiếp tục được củng cố và phát triển; công tác quản lý dược, trang thiết bị y tế, tài chính y tế và bảo hiểm y tế được đổi mới và đảm bảo hiệu quả.
Hoạt động truyền thông ngành Y tế đã phát huy vai trò tích cực trong việc thông tin, tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần đoàn kết, vượt khó của nhân dân trong đại dịch...
Những thành tựu và đóng góp của ngành Y tế, đặc biệt là trong hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, công tác y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm. Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối vẫn chưa được giải quyết triệt để, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng...
Tại Hội nghị, các bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận, bàn bạc các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế để tiếp tục nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, hy sinh của toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn chống dịch Covid-19; nhấn mạnh sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, cán bộ, nhân viên ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống, quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn càng phải chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Triển khai có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ công tác, xác định rõ các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần giải quyết ngay, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt cùng với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn, xây dựng bộ máy thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ, phát huy vai trò của các cán bộ dám nghĩ, dám làm; quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài. Tập trung triển khai các biện pháp giải quyết ngay tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thực hiện đổi mới mạnh mẽ tài chính, bảo hiểm y tế; có kế hoạch đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn; tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính y tế; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong y học...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thùy Hương