Lễ đón nhận Bằng di tích cấp tỉnh Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử thuộc xã Sa Loong
Sáng 21/4, UBND huyện Ngọc Hồi tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử thuộc xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi).
|
Dự lễ có các đồng chí: A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo huyện Ngọc Hồi và các nhân chứng lịch sử từng tham gia kháng chiến.
|
Ngày 22/11/1967, Chiến dịch Đăk Tô 1 kết thúc hoàn toàn. Sau 20 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã đánh 78 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.670 tên địch (có 2.690 tên Mỹ), phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Trận then chốt quyết định Chiến dịch Đăk Tô I ở khu vực Điểm cao 875, ta đã tiêu diệt một tiểu đoàn, một đại đội Mỹ. Chiến thắng của Trung đoàn 174 ở Điểm cao 875 là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật đánh trận của ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hoàn chỉnh hình thức chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt, khẳng định vai trò của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung…
|
Buổi lễ đã trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh dành cho Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
|
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Chí Tường- Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi khẳng định: Đây là vinh dự lớn, cũng là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Hồi; UBND huyện Ngọc Hồi xin hứa sẽ bảo vệ, quản lý, khai thác có hiệu quả Di tích.
Cụ thể, giao nhiệm vụ UBND xã Sa Loong phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nghiên cứu, đề xuất quy hoạch chi tiết Di tích; tham mưu UBND huyện về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng Nhà tưởng niệm Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử; thành lập Tổ bảo vệ Di tích, xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị Di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan, nghiên cứu, học tập.
Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan, tổng hợp tài liệu khoa học về khu vực bảo vệ, nội dung, diện tích, bản đồ vị trí, bản vẽ mặt bằng… cùng các văn bản khác liên quan đến Di tích; thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra thực địa, tham mưu UBND huyện báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án tu bổ, tôn tạo, xây dựng khuôn viên và cắm mốc giới khu vực bảo vệ Di tích.
Các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng, giá trị lịch sử của Di tích; giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, biết ơn sâu sắc với các thế hệ đi trước; thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa để chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích; quản lý, khai thác khoa học, hiệu quả Di tích.
|
Tất Thành