Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 218/NQ-CP của Chính phủ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
|
Kế hoạch 213 xác định thực hiện đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đối với các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 218/NQ-CP. Nội dung nhiệm vụ phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Quá trình thực hiện phảo bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 218/NQ-CP.
Theo đó, nội dung nhiệm vụ bao gồm: Tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: Thanh toán, quyết toán chi phí dịch vụ xét nghiệm Covid-19 theo khối lượng thực tế phát sinh đối với dịch vụ xét nghiệm theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có đơn giá đặt hàng hoặc chưa có hợp đồng đặt hàng.
Việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế và hàng hóa khác với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phát sinh.
Vướng mắc trong thanh toán, quyết toán đối với việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; giải thể và xử lý tài sản khi giải thể các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến.
Triển khai công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí còn dư được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong phòng, chống dịch theo đúng quy định của pháp luật.
|
Rà soát, tổng hợp, khen thưởng kịp thời cá nhân, tổ chức nhất là lực lượng tuyến đầu có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Kế hoạch còn xác định các nội dung nhiệm vụ nhằm hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh; xác định trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc thực hiện bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng, bao gồm bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm.
Đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân viên làm việc tại trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản. Nâng cao năng lực nhân viên y tế cơ sở; điều động, luân phiên bác sỹ, nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, nhất là tại trạm y tế xã.
Nâng cao năng lực phòng, chống dịch, bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế; bảo đảm thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong việc ứng phó với dịch bệnh.
Bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tập trung triển khai dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa trong lĩnh vực y tế.
Hồng Lam