Hội nghị tập huấn triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
Sáng 21/11, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Khai mạc Hội nghị tập huấn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
|
Dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số đơn vị thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; trên 140 đại biểu đến từ 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Khu vực phía Bắc.
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 về phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình. Hiện nay, 48/48 địa phương đã nhận phân bổ từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Để triển khai Chương trình hiệu quả, kịp tiến độ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề nghị Hội nghị tập trung phổ biến các điểm mới của Chương trình; cơ chế quản lý, điều hành, thực hiện Chương trình, cơ chế tài chính, kiểm tra, giám sát; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và ứng dụng phần mềm trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; chia sẻ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực trao đổi, thảo luận, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án. Mục tiêu cụ thể của Chương trình: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
|
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương; nỗ lực của tỉnh Kon Tum trong công tác giảm nghèo thời gian qua. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc phân bổ nguồn ngân sách Trung ương cho các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ theo quy định.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ nhiều kinh nghiệm để cùng nhau nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo kế hoạch đề ra, Hội nghị tập huấn diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 21-23/11/2022).
Tấn Lộc