Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT tại huyện Tu Mơ Rông
Ngày 31/1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Phạm Đình Thanh - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại huyện Tu Mơ Rông.
|
Năm học 2022-2023, huyện Tu Mơ Rông có 11 trường mầm non công lập, 114 nhóm lớp (trong đó 17 nhóm trẻ, 97 lớp mẫu giáo); 3 trường tiểu học; 3 trường trung học cơ sở; 8 trường liên cấp tiểu học-trung học cơ sở; 719 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (cán bộ quản lý có 72 người, giáo viên có 592 người, nhân viên 55 người).
Trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học xác định việc triển khai đổi mới chương, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị trong đội ngũ nhà giáo, vai trò của từng trường, từng cán bộ quản lý giáo dục, từng giáo viên, nhân viên được khẳng định và phát huy, tạo được niềm tin đối với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh.
Về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kết quả, học sinh tích cực tham gia học, đạt được các yêu cầu cơ bản về năng lực và phẩm chất theo từng môn học, hoạt động giáo dục; chất lượng giáo dục và một số kỹ năng cơ bản của học sinh có tiến bộ so với trước; số học sinh hoàn thành tốt các môn học, hoạt động giáo dục được nâng lên.
Về sách giáo khoa, chất lượng, nội dung sách giáo khoa phổ thông đáp ứng yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; các hoạt động trong bài học có tính giáo dục cao, đảm bảo tính kế thừa, linh hoạt; ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh tại địa phương. Sách được thiết kế rõ ràng, dễ hiểu; in màu, có sơ đồ tư duy, minh họa đẹp giúp giáo viên dễ thực hiện các hoạt động trong bài học.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện ngành Giáo dục huyện Tu Mơ Rông còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số đơn vị còn thiếu, chưa đồng bộ để triển khai thực hiện chương trình, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành; thiếu giáo viên đáp ứng quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học trung học cơ sở nhưng không có đủ nguồn tuyển, nhất là giáo viên môn ngoại ngữ, tin học, các bộ môn nghệ thuật, giáo viên dạy liên môn...
Ngoài ra, do đặc thù trên địa bàn huyện có 95% là người đồng bào DTTS, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp; chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của các em học sinh, nhiều hộ gia đình không có điều kiện đầu tư sách vở và dụng cụ học tập cho các em học sinh.
Tại buổi giám sát, các đại biểu và đại diện lãnh đạo các sở ngành tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện; đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Đồng thời, đề nghị rà soát, bổ sung nội dung ý kiến đề xuất của các thành viên trong Đoàn giám sát; đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện hoàn chỉnh báo cáo gửi về Đoàn ĐBQH tỉnh để tổng hợp và có kiến nghị cụ thể gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Y Đô