Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại huyện Ngọc Hồi
Sáng 1/2, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Phạm Đình Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi giám sát tại huyện Ngọc Hồi nhằm nắm bắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Ngọc Hồi.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, huyện Ngọc Hồi đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo huyện, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục hằng năm đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh nội dung dạy học; tập trung rà soát, tinh giản những nội dung chồng chéo, trùng lặp cho phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá học sinh, đảm bảo khách quan, chính xác, gọn nhẹ, giảm áp lực; đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn kết hợp với đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, hướng tới phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh.
|
Theo đánh giá, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn huyện Ngọc Hồi cơ bản đảm bảo tính phù hợp về mục tiêu, yêu cầu đổi mới và tính khả thi. Thông qua việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá giúp học sinh chủ động, phát triển khả năng sáng tạo, tự học, chất lượng học tập của học sinh có tiến bộ so với trước; tránh được tình trạng quá tải về nội dung, kiến thức học tập; phù hợp với các đối tượng học sinh. Chất lượng, nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình mới; việc lựa chọn sách giáo khoa tại địa phương được thực hiện đúng quy trình, quy định của cấp trên; tất cả các trường được quyền lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện thực tế tại nhà trường.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Chương trình trên địa bàn huyện còn một số bất cập như việc sắp xếp, bố trí giáo viên giảng dạy còn khó khăn do thiếu biên chế, nhất là giáo viên các môn Tin học, Tiếng Anh và các môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ...
Tại buổi làm việc, UBND huyện Ngọc Hồi kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến với cấp có thẩm quyền tiếp tục bổ sung biên chế cho ngành giáo dục; ưu tiên và có chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí từ Trung ương cho các địa phương thuộc khu vực biên giới, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn để đảm bảo các điều kiện thuận lợi trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phạm Đình Thanh đề nghị trong thời gian tới, UBND huyện Ngọc Hồi tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn phát huy kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, tham vấn ý kiến trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phổ thông về những khó khăn, bất cập trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tại địa phương, đơn vị để đề xuất, kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và có ý kiến cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung nghị quyết đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và mang tính khả thi cao.
Minh Trung