Quyết liệt xử lý xe không bảo đảm an toàn
Tình trạng người dân vẫn sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông, thậm chí dùng phương tiện nói trên vận chuyển gỗ lậu tại địa bàn vùng sâu, vùng xa… đã và đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trên thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến loại phương tiện này...
Ngày 21/1/2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 109 về tăng cường xử lý tình trạng xe độ chế, xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông trên địa bàn. Mặc dù, ngành chức năng đã triển khai các biện pháp xử lý, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa như mong muốn.
|
Mới đây, ngày 21/7 UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn 1645 chỉ đạo đơn vị chức năng và các địa phương tăng cường xử lý xe không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu, các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, thống kê số lượng các phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông (đang lưu hành hoặc không lưu hành) của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý và thành lập các tổ công tác gồm các lực lượng công an xã, xã đội, dân quân tự vệ, biên phòng tổ chức đợt cao điểm, lập chốt chặn trên các tuyến đường giao thông nông thôn, đường ra khu vực biên giới để kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông trên địa bàn quản lý; kiên quyết tịch thu, tạm giữ và xử lý theo quy định đối với phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sửa chữa các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và kiên quyết thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở có hành vi sửa chữa, lắp ráp, độ chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đúng quy định và tổ chức ký cam kết với các cơ sở chưa vi phạm…
Triển khai chỉ đạo trên, là lực lượng nòng cốt, Phòng CSGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể từ nay đến hết năm nhằm xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên, đại tá Lê Đình Toàn- Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Bắt đầu từ tháng 8 đến hết năm nay, Phòng CSGT tỉnh phối hợp Trung tâm Đăng kiểm Kon Tum, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê số lượng các phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông để làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ngoài ra, Phòng sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân đưa vào lưu thông các phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông. Trong đó, tập trung tại các địa bàn như huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, Ia H’Drai.... và khu vực biên giới, giáp ranh, cũng như các các tuyến đường giao thông nông thôn, khu vực khai thác lâm sản, khoáng sản trái pháp luật... nhằm góp phần kiềm chế TNGT do các phương tiện này gây ra.
“Các loại phương tiện vi phạm thì kiên quyết tiến hành xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, nếu có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành lập hồ sơ xử lý hình sự theo quy định”- Đại tá Toàn nhấn mạnh.
Tìm hiểu thực tế tại huyện Ngọc Hồi- một trong những địa bàn có số phương tiện này nhiều nhất, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Công an huyện và chính quyền xã vào cuộc. Công an huyện Ngọc Hồi cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ, cũng như cảnh báo các nguy cơ mất an toàn giao thông với các phương tiện độ chế, xe hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông để người dân biết và chấp hành; phối hợp với công an các xã trực tiếp làm việc với các tiệm sửa chữa xe cam kết không độ chế, sửa chữa phương tiện hết niên hạn sử dụng và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông xử lý nghiêm người sử dụng, điều khiển các phương tiện xe độ chế, xe hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông...
Đến nay, Công an huyện Ngọc Hồi đã tổ chức tuyên truyền cho hàng trăm lượt người dân trên địa bàn và ký cam kết không độ chế phương tiện với các tiệm sửa chữa phương tiện tại các xã trên địa bàn huyện. Qua tuần tra, kiểm soát, Công an huyện Ngọc Hồi đã phát hiện và xử lý hơn 30 trường hợp xe độ chế các loại.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Nhứt - Phó Ban An toàn giao thông huyện Ngọc Hồi cho biết: Để hạn chế tai nạn giao thông, huyện đã liên tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền các xã vào cuộc để gìn giữ trật tự an toàn giao thông, nhất là việc xử lý nghiêm xe độ chế, xe hết niên hạn sử dụng, xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật để góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Nhưng hiện vẫn còn nhiều người dân sử dụng phương tiện nói trên tham gia giao thông và việc xử lý phương tiện trên vẫn còn ít. Nguyên nhân do chủ yếu phương tiện độ chế hoạt động ở vùng sâu, trốn tránh lực lượng chức năng. Hơn nữa, một số trường hợp là người dân nghèo sử dụng phương tiện này đi làm rẫy và vận chuyển nông sản nên việc xử phạt cũng có phần hạn chế…
Ngược lại với quan điểm trên, đại tá Nguyễn Ngọc Doãn –Phó Phòng CSGT tỉnh nhấn mạnh: Không thể vì nể nang, tình cảm mà lại không xử lý, để phương tiện đó gây tai nạn thì càng không nên. Điều quan trọng là vừa xử lý kết hợp với tuyên truyền cho người dân hiểu đó là việc làm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho chính người sử dụng và cho tất cả mọi người.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng cũng như chính quyền các địa phương, chúng ta sẽ không còn nghe những tin tai nạn giao thông do các phương tiện độ chế, hết hạn sử dụng, xe không bảo đảm an toàn gây ra…
Hà Nam