Những cuộc gọi dọa dẫm
Gần đây, nhiều người nhận được các cuộc gọi mạo danh là cán bộ công an để yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân để đồng bộ dữ liệu định danh điện tử (VNeID) mức 2. Và các cuộc gọi thường bắt đầu bằng khẩu khí mang nặng tính dọa dẫm.
Đã từng nghe người thân, bạn bè kể rất nhiều về những cuộc gọi lừa đảo, nhưng phải nói thật rằng tôi chưa bao giờ gặp phải. Vì vậy, tôi hay nói vui là khó tò mò và muốn được nghe một lần.
Đúng là “cầu được ước thấy”, mới đây tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ (0823.437.672). Khi tôi vừa bắt máy, giọng nam bên kia “phủ đầu” ngay bằng giọng điệu dọa dẫm “có phải là L.H.H không”.
Hỏi đầy đủ như thế thì đúng quá rồi còn gì. Tôi trả lời “vâng, tôi đây”. Bên kia tiếp tục vặn “thông tin về căn cước của anh còn thiếu, nên cơ quan công an chưa thể đồng bộ lên hệ thống được, công an phường yêu cầu bổ sung nhiều lần rồi mà sao anh chưa bổ sung”?
Khi tôi hỏi lại “anh ở đơn vị nào”, thì bên kia cho hay công tác ở Công an thành phố Kon Tum, và tiếp tục cho biết căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử (ứng dụng VNeID) của tôi bị thiếu thông tin.
|
“Yêu cầu anh lên Công an thành phố làm việc ngay”- bên kia nói, rồi dọa “nếu chậm trễ thì sẽ không kịp đồng bộ vào hệ thống của Bộ công an, lúc đó anh phải chịu trách nhiệm”. Và không quên gợi ý rằng “nếu anh bận thì làm online, chỉ mất 5-10 phút, vừa nhanh vừa tiện, sẽ có người hỗ trợ”.
Tôi đồng ý làm online, với lý do rất bận, không thể trực tiếp lên Công an thành phố. “Được lời như cởi tấm lòng”, phía bên kia nhẹ nhàng cho biết sẽ có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này liên hệ với tôi để thực hiện.
Trước khi tắt máy, bên kia lại không quên dọa rằng, vì thông tin của tôi trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn thiếu, nên khi kiểm soát, Bộ Công an phát hiện ra và báo về, vì vậy cần phải bổ sung ngay.
Tôi nín cười chờ đợi cuộc gọi tiếp theo. Khoảng 30 phút sau, số điện thoại khác (0847.160.765) gọi tới, thông báo tên là Minh, cán bộ Công an thành phố Kon Tum, sẽ giúp tôi bổ sung thông tin về căn cước công dân bằng hình thức online, và đề nghị kết bạn zalo để nhận đường link.
“Sau khi nhận đường link, anh tải app (ứng dụng) xuống rồi cài đặt trên điện thoại, sau khi cài đặt xong thì cung cấp mã OTP, thông tin số căn cước công dân của anh là xong. Lúc đó tôi sẽ giúp anh đồng bộ trên Cổng”- đối tượng cho biết.
Đối tượng cũng không quên kèm câu dọa dẫm rằng “anh không làm nhanh, nếu có chuyện gì anh phải chịu trách nhiệm, tôi không giúp anh được đâu” làm tôi cười lớn. Có lẽ đối tượng nhận thấy tôi đang giả bộ “vào tròng” nên tắt máy.
Gần đây, người thân, bạn bè của tôi cho hay thường nhận được các cuộc gọi mạo danh là cán bộ công an để yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân để đồng bộ dữ liệu định danh điện tử (VNeID) mức 2.
Chặn số này thì bị gọi bằng số khác, có ngày vài ba lần. Định bụng rằng không nghe số lạ nữa, nhưng lại lo nhỡ như có công việc gì thì sao, thế là bấm bụng nghe, y như rằng lại gặp các đối tượng này- một người chia sẻ.
Điều đáng lưu ý là các cuộc gọi thường bắt đầu bằng khẩu khí trịch thượng, mang nặng tính dọa dẫm, trấn áp. Điều này khiến cho các “nạn nhân” dễ “sập bẫy” nếu đang tập trung làm việc, mất bình tĩnh, hoặc vô tình trong hoàn cảnh na ná “kịch bản” của bọn chúng.
Vì vậy, cũng đã có những người sập bẫy. Dù gần đây cơ quan chức năng và báo chí đã cảnh báo rất nhiều về các mánh khóe lừa đảo này.
|
Các đối tượng lợi dụng sự nắm bắt chưa đầy đủ thông tin liên quan đến cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử của người dân để lừa đảo bằng cách gọi điện thoại dọa dẫm, rồi “dụ dỗ” làm “online vừa nhanh vừa tiện”.
Sau đó gửi đường dẫn (link) qua các ứng dụng trực tuyến trên mạng xã hội như Zalo, Facebook dẫn dụ truy cập đường link cài đặt phần mềm giả mạo có giao diện gần giống với ứng dụng VNeID thật.
Khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo xong, ứng dụng giả được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP…), các đối tượng kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake (hình ảnh, thông tin giả mạo, sai sự thật), đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ thuế gọi điện qua giao thức internet hăm dọa người bị hại, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, như khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dùng tuyệt đối không cài đặt/ tải trực tiếp bất kỳ ứng dụng nào từ đường link do bất kỳ ai gửi trên tin nhắn SMS, nội dung chat trên các nền tảng xã hội, ứng dụng nhắn tin; hoặc từ các trang web do các đối tượng cung cấp đường link.
Không tin và thực hiện theo hoặc liên hệ với với các đối tượng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Telegram,..) về các giải pháp “nhanh” cho bất kỳ dịch vụ công nào.
Chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, từ các đường link lạ.
Không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân cho người khác qua điện thoại. Thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng thông tin điện tử hoặc Fanpage chính thức của Bộ Công an, Công an các địa phương.
Cơ quan công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân, không hướng dẫn qua điện thoại. Khi có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa, bị hại có thể tố cáo hành vi phạm tội tới các cơ quan chức năng.
Hồng Lam