Cảnh giác với “cơn sốt” Pokemon Go
Ra đời tại một số quốc gia trên thế giới vào ngày 6/7/2016 và có mặt tại Việt Nam sau đó đúng một tháng, trò chơi Pokemon Go đã và đang trở thành một cơn sốt và có vẻ như cơn sốt này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cơn sốt toàn cầu đến từ Mỹ
Ngày 6/7 vừa qua, Niantic - công ty phần mềm của Mỹ cho ra đời một trò chơi mang tên Pokemon Go, sau khi phát hành, Pokemon Go nhanh chóng gây nên cơn sốt tại các quốc gia phát hành và lọt vào bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí hàng đầu trên App Store (kho ứng dụng của hệ điều hành iOS). Vị trí này liên tục được duy trì sau đó, đánh bại cả những phần mềm nổi tiếng khác như Candy Crush Saga, Facebook Messenger hay Snapchat... Lý do giải thích cho hiện tượng toàn cầu mang tên Pokemon Go chính là sự kết hợp giữa thế giới ảo của những con vật tưởng tượng được lồng ghép trên thực tế quen thuộc là các địa điểm địa lý nơi người chơi đang sống.
Nếu như với trò chơi khác, người chơi chỉ cần ngồi một chỗ, thì với Pokemon Go, các chú Pokemon ẩn nấp trong các địa điểm ngoài đời thực, các game thủ phải di chuyển quanh khu vực đang chơi để săn tìm chúng. Cảm giác được phiêu lưu mọi nơi để tìm bắt những con quái vật và khả năng chia sẻ ảnh ngay tức khắc giúp game gây sốt nhanh chóng.
Để dễ hình dung về độ “hot” của Pokemon Go, hãy nhìn vào 5 kỷ lục thế giới mà trò chơi này thiết lập: doanh thu cao nhất chỉ trong tháng đầu tiên phát hành (206,5 triệu USD); được tải về nhiều nhất trong tháng đầu tiên (130 triệu lần); đứng đầu các bảng xếp hạng về lượt tải tại 70 quốc gia; đứng đầu bảng xếp hạng về doanh thu và là game di động có tốc độ doanh thu đạt 100 triệu USD nhanh nhất. “Sức nóng” tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ của Pokemon Go đã vô tình tạo nên những rắc rối, nguy hiểm cho cả người chơi lẫn quốc gia mà họ đang sinh sống.
Thiệt hại trước mắt và nguy cơ tiềm ẩn
Theo nhà phát triển Niantic, mục đích ban đầu khi sản xuất Pokemon Go là muốn tạo điều kiện người chơi vận động ngoài trời và tăng sự tương tác với những địa điểm có thật. Có lẽ chính Niantic cũng như người chơi không thể tưởng tượng được những hệ luỵ khủng khiếp mà những chú “quái vật ảo” gây ra cho sự an toàn của người chơi, trật tự xã hội hay thậm chí là an ninh quốc gia.
|
Việc rất nhiều người cùng tập trung vào màn hình điện thoại khi đang tham gia giao thông tất yếu sẽ dẫn đến những tai nạn không đáng có. Trong khi thế giới đang xôn xao những vụ tai nạn giao thông do tài xế mải chơi Pokemon Go khi đang cầm lái, hoặc những hành vi điều khiển ô tô bất thường, thì ở Việt Nam, các “tay chơi” cũng sẵn sàng 1 tay rà smartphone 1 tay điều khiển phương tiện, mắt chăm chăm đặt vào màn hình điện thoại, thi thoảng liếc ngang liếc dọc nhìn đường, bất chấp những rủi ro rình rập xung quanh. Những người này quên rằng họ đã vi phạm pháp luật vì hành vi sử dụng điện thoại trong khi đang điều khiển phương tiện giao thông. Rồi chính cả những người đi bộ cũng gặp nguy hiểm không kém, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ cúi gằm mặt vào điện thoại khi băng qua đường hay di chuyển trên vỉa hè mà không cần chú ý phía trước, bởi điều duy nhất mà họ quan tâm, chính là những chú Pokemon.
Không chỉ tai nạn giao thông, các game thủ Pokemon Go rất dễ bị cướp giật khi quá tập trung vào trò chơi trên điện thoại. Tuy đã có không ít cảnh báo về sự nguy hiểm này song giới trẻ chơi Pokemon go lại tỏ ra khá tự tin và bỏ lơ các cảnh báo. Ở Việt Nam, mới đây nhất, vào đầu tháng 8, tại Công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM) - nơi được cho là điểm “tập kết” của các game thủ, một bạn trẻ đã bị cướp giật mất chiếc điện thoại trên tay khiến nhiều người chứng kiến không khỏi ngỡ ngàng và hốt hoảng.
Ngoài việc bị đe doạ đến sự an toàn của tài sản và tính mạng, người chơi còn đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn khác như bị lộ thông tin, đánh cắp dữ liệu cá nhân trên điện thoại (như email, địa chỉ liên lạc, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng…) nếu cài đặt những phiên bản nhái, có cài mã độc, virus...
Không chỉ người dân hoang mang, Chính phủ một số quốc gia cũng bắt đầu lo ngại việc trò chơi này sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, bởi dữ liệu, hình ảnh ở khắp nơi trong các toà nhà, địa điểm vị trí xung quanh người chơi có thể bị thu thập để gửi về máy chủ nhà phát hành.
Hãy là người chơi thông minh và tỉnh táo
Để giảm thiểu những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra đối với người chơi Pokemon Go, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều khuyến nghị tới những người chơi trò chơi này. Trước hết, Pokemon Go là trò chơi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép phát hành tại Việt Nam, vì vậy khi có tranh chấp phát sinh, ảnh hưởng đến quyền lợi, người chơi sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý trò chơi điện tử trên mạng.
Người chơi cần lưu ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, tránh lưu giữ thông tin quan trọng, nhạy cảm trên điện thoại chơi Pokemon Go; kiểm tra cẩn thận trước khi cài đặt Pokemon Go, tránh cài đặt phải những ứng dụng giả và lừa đảo.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, người chơi không nên chơi khi đang tham gia giao thông, không chơi ở các khu vực nguy hiểm như đường sắt, đường cao tốc, sân bay, sông, hồ, đồi, núi… Đặc biệt, không chơi gần hoặc trong khu vực các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và khu vực cấm.
Hiện tại, một số đơn vị ở các địa phương như Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị… đã ra lệnh cấm nhân viên chơi Pokemon Go, đồng thời đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân. Tuy nhiên, thiết nghĩ, trước hết mỗi người sử dụng Pokemon Go nên là một người chơi thông minh và tỉnh táo để tự bảo vệ bản thân và đảm bảo trật tự cho xã hội, trước khi cơ quan quản lý đưa biện pháp cụ thể để hạn chế tác động tiêu cực do trò chơi này mang lại.
VÂN TUYỀN