Tấm lòng vàng của má Sáu
Bà cụ đã hơn 80 tuổi rồi, sống neo đơn một mình mà hàng ngày vẫn lụi cụi đi vận động mọi người góp tiền giúp người nghèo; rồi lặn lội lên tận các thôn, làng ở Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông… tặng quà
Người ta thường nói “Lá lành đùm lá rách”, nhưng với bà Sáu thì phải nói là “lá rách ít đùm lá rách nhiều” mới đúng - chị Thanh bùi ngùi nói - Bà cụ đã hơn 80 tuổi rồi, sống neo đơn một mình mà hàng ngày vẫn lụi cụi đi vận động mọi người góp tiền giúp người nghèo; rồi lặn lội lên tận các thôn, làng ở Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông… tặng quà; có ít tiền trợ cấp hàng tháng (600 nghìn đồng hỗ trợ người có công với cách mạng và 400 nghìn đồng chế độ người già neo đơn - PV) cũng dành dụm làm từ thiện.
Thương bà, chúng tôi cự nự: Bà già rồi, nghỉ ngơi đi, cứ đi lại như thế này nhỡ có chuyện gì thì khổ, mấy việc này để đám con cháu nó lo, bà có tấm lòng như thế là đáng quý lắm rồi. Thế là bà la: Ơ hay, chúng mày nói lạ, thế già rồi là không làm từ thiện được nữa hay sao. Sống ở đời cần nhất là tấm lòng nhân ái. Còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn bà, giúp được họ, bà thấy mình thanh thản và vui hơn… Anh xem, tấm lòng bà cụ như vậy, ai nỡ từ chối.
Ấy là những lời “hờn trách” đầy yêu thương, kính trọng mà chị Huỳnh Thị Xuân Thanh - Tổ trưởng dân phố dành cho cụ bà Đặng Thị Phương (trú tại tổ dân phố 8, Phường Duy Tân, TP Kon Tum), người mà mọi người hay gọi với cái tên thân thương “Má Sáu từ thiện”. Mặc dù đã bước sang tuổi 81, sức đã mòn, sống neo đơn, không nơi nương tựa, nhưng cụ luôn hướng đến người nghèo, chẳng nề hà những chuyến đi từ thiện.
|
Má Sáu tiếp chúng tôi ở gian nhà trong khá chật chội, đồ đạc đơn sơ. Chị Thanh như hiểu sự thắc mắc của chúng tôi nên cười cười: 2 gian nhà ngoài rộng rãi mà 2 em thấy, má đã cho người ta thuê rồi, toàn bộ số tiền cho thuê nhà thu được cũng “bị” má đem đi làm từ thiện hết trơn hết trọi à.
Nhìn dáng người nhỏ bé đang ngồi trước mặt, liệu có ai tin được rằng, chỉ cách đây ít ngày, bà cụ đã cùng với cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh lặn lội lên xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) để thăm và trao tặng 100 phần quà, với tổng trị giá 25 triệu đồng (gồm mỳ tôm, quần áo, cá khô, dầu ăn, nước mắm) cho bà con DTTS nghèo. Toàn bộ kinh phí do bà cụ vận động các doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm trên địa bàn TP Kon Tum quyên góp, hỗ trợ.
Má Sáu nhỏ nhẹ: Bây giờ thì mọi người quen với chuyện bà đi “xin” rồi, nên nhiệt tình ủng hộ. Nhưng thời điểm năm 2005, khi bà bắt tay vào làm từ thiện thì cũng có người nghi ngờ, nói ra nói vào đấy (cười). Vì bà muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhưng “lực bất tòng tâm” nên phải đi đến từng nhà vận động quyên góp quần áo và những vật dụng cũ, mang về nhà sửa chữa, giặt giũ và đóng gói cẩn thận để làm quà tặng cho người nghèo. Thế là có người thì bảo bà đi buôn đồ cũ; rỗi hơi làm những việc không đâu. Thậm chí có người còn nghi ngờ bà đi xin về cho mình bởi không có ai nuôi…
Tuy nhiên, bà cụ vẫn kiên trì làm việc mình muốn làm và dần dần thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người. Người dân sống trong con hẻm nhỏ ở đường Hàm Nghi bây giờ đã quen với hình ảnh của bà Phương vào mỗi buổi sáng đạp chiếc xe đạp cũ kỹ rẽ về những ngả đường ở thành phố để đi quyên góp từ thiện. Chiều về, có khi trên yên chiếc xe đạp cọc cạch cột vài thùng mì tôm; có khi là bao đồ cũ. Có hôm sức khỏe yếu, đạp xe không nổi, bà Phương lại thuê xe thồ chở cả người lẫn xe đạp và số hàng quyên góp được về nhà. Trời nắng còn đỡ, trời mưa, việc đi quyên góp của bà Phương càng vất vả hơn nhưng dường như vì cái tâm với công việc nên dù mưa hay nắng bà cũng đều đặn đi, trừ lúc ốm đau.
Quần áo quyên góp được, bao giờ bà cụ cũng giặt giũ, phơi phóng cẩn thận, sau đó đóng gói gọn gàng rồi mới mang đến tận tay người nghèo. Không chỉ vậy, má Sáu còn bỏ tiền mua nhiều món đồ ăn tặng cho người khó khăn. Nghe nói ở đâu có hoàn cảnh đáng thương, bà cụ lại chuẩn bị sẵn quà và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện tìm đến thăm, tặng quà. Có những khi cạn tiền, chưa chuẩn bị kịp, bà cụ phải mang sổ đỏ của chính mình đi làm tin vay nóng vài triệu đồng mua mì tôm, nước mắm, cá khô, quần áo… để kịp có tiền mua quà tặng người nghèo.
Theo chuyện kể của má Sáu, chúng tôi càng khâm phục khi biết rằng dấu chân của bà cụ đã in trên nhiều vùng quê của tỉnh. Từ năm 2005 đến nay, thông qua Hội Chữ thập đỏ các huyện Kon Plông, Sa Thầy, Kon Rẫy, TP Kon Tum… bà cụ đã đem hàng chục chuyến hàng, hàng trăm nghìn bộ quần áo, chăn màn, giày dép cũ đến trao tận tay người nghèo.
Chúng tôi trò chuyện với “má Sáu từ thiện” đến trưa rồi xin phép về để má dùng cơm. Má cười: Bây giờ già rồi, bụng dạ yếu nên bữa ăn hằng ngày của bà là cháo trắng thôi.
Nhìn bà cụ lui cui xuống bếp bê chén cháo trắng lên mà chúng tôi thấy cay cay sống mũi. Ai biết được rằng, má đã từng bỏ tiền về tận Bình Định đón thầy thuốc lên chữa bệnh cho anh Sơn (chồng cô Tâm cùng phường), rồi trả luôn hơn 1 triệu đồng tiền thuốc, tiền khám bệnh, đến nay chị Tâm chưa trả được, bà cụ nói nhẹ hều: “Thôi! Mày đang khó khăn, tao tặng luôn”. Hay trường hợp chị Lý gần nhà, hoàn cảnh khó khăn, có con đậu đại học, mượn bà cụ gần 2 triệu đồng, 7 năm rồi vẫn chưa thể trả, bà cụ cũng xua tay: “Thôi cho chúng nó, vì lũ nhỏ cả”…
Trên đường về, trong đầu tôi cứ vang mãi những lời tâm sự của má Sáu: So ra, bà vẫn may mắn hơn bao mảnh đời neo đơn, bất hạnh khác. Bà nghĩ mình còn được sống ngày nào thì sẽ gắng sức ngày đó. Điều mong muốn lớn nhất của bà là ngày càng có nhiều tấm lòng nhân ái cùng chung tay giúp đỡ người nghèo để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vâng, chắc chắn rằng sẽ ngày càng nhiều tấm lòng nhân ái tìm đến, giúp má tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mình, thưa má!
Quốc Phong