Vượt lên gian khó
Chồng bị ung thư, 1 mình phải gánh nợ lo thuốc men cho chồng và nuôi 4 đứa con, cơm bữa no bữa đói, vậy mà nay, với ý chí quyết tâm và sự siêng năng, chị Võ Thị Thanh Tịnh, tổ 4, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) đã vực khỏi đói nghèo, vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Nhìn vào cơ ngơi của mình ngày hôm nay, chị Tịnh rơm rớm nước mắt: Sự quyết tâm đã giúp tôi “đánh bại” khó khăn.
Nhắc lại khoảng thời gian đã qua, chị Tịnh vẫn còn rùng mình: Khổ ghê lắm! Mấy chục năm liền, năm nào nhà tôi cũng phải vay ngân hàng để lo liệu cho cuộc sống. Nhiều lúc bế tắc muốn buông xuôi vậy...
|
Lấy nhau, với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Tịnh chí thú làm ăn. Đầu tắt mặt tối bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng nồi cơm cũng chỉ toàn khoai độn mì. Cuộc sống càng vất vả hơn khi gia đình nhỏ lần lượt chào đón 4 người con. Mỗi ngày, mặt trời chưa mọc vợ chồng chị đã có mặt trên đồng, đến lúc mặt trời lặn mới dò dẫm trở về. Đói khổ nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng cho các con đến trường.
Làm nông không đủ ăn, chị Tịnh tìm hướng chuyển sang buôn bán nhỏ. Mỗi sáng, chị thức dậy từ 2-3h, ngồi nặn từng cái bánh bèo, bánh ít, bánh chưng rồi gánh bộ ra chợ bán. Trưa về lại loay hoay phụ chồng việc đồng áng đến tối mịt. Cố gắng, chăm chỉ làm nhưng cái khó vẫn cứ đeo bám.
Thấy buôn bán vẫn không ổn, năm 1997-1998, chị Tịnh quyết vay nguồn vốn phụ nữ (4-5 triệu đồng) để đầu tư vào chăn nuôi heo. Nhưng rồi đàn heo cũng phụ công người chăm sóc, cứ còi cọc, không lớn.
Không đầu hàng số phận, đến năm 2008, qua những lần đi nấu giúp đám giỗ, đám cưới, được mọi người khen ngon, chị Tịnh bèn nghĩ: Hay mình mở dịch vụ nấu đám cưới.
Không được học qua trường lớp, lại chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức nên chị rất lo lắng. “Lúc đó trong xóm, trong xã cứ nhà nào có đám giỗ, tân gia… tôi liền xin đến nấu giúp để xem nhận xét của mọi người, vừa nhắm xem mình có khả năng làm dịch vụ không. Sau một thời gian, tôi quyết tâm mở dịch vụ nấu đám cưới” - chị Tịnh chia sẻ.
Thời gian đầu, vì chưa có vốn nên chị nhận nấu theo suất. Mọi thứ quá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, vừa làm chị vừa chăm chỉ học thêm cách nấu, trang trí các món ăn; cách sắp xếp, tổ chức cho hợp lý. Trời không phụ công người cố gắng, việc nấu đám cưới dần diễn ra suôn sẻ, gia đình chị bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Nhận thấy việc thuê rạp, các dịch vụ quá tốn kém, năm 2009, chị Tịnh vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư dàn rạp. Làm lụng, vừa trả hết nợ cũ, chị lại vay thêm 100 triệu để mua xe vận chuyển. “Khi vay về, gánh số nợ lớn, tôi càng quyết tâm làm thật tốt để trả nợ” – chị Tịnh kể.
Làm ăn đàng hoàng, uy tín, cộng thêm tính tình cởi mở, phóng khoáng, dịch vụ nấu ăn, rạp cưới của chị Tịnh dần được nhiều người biết đến. Nhờ đó, thu nhập ổn định hơn, chị lo được cho con trai học xong đại học và 3 con gái học hành đàng hoàng.
Kinh tế đi vào ổn định, chưa kịp vui mừng, năm 2011, chị ngã gục khi chồng đổ bệnh ung thư. Vậy là, một mình chị mang trên vai gánh nặng kinh tế, vừa phải kiếm tiền lo thuốc men, chạy chữa cho chồng.
Trong năm ấy, thấy ngôi nhà xập xệ, chị bàn với chồng: Hay em vay 200 triệu để làm lại ngôi nhà.
Thấy bản thân đau ốm, các con lại chưa có công việc ổn định, sợ vợ phải gánh nợ nhiều, khổ, chồng chị ra sức ngăn cản. Nhưng chị động viên, và rồi, chồng chị cũng đồng ý.
Bệnh tình của chồng ngày càng nặng, mỗi lần chạy chữa tốn rất nhiều tiền, cộng thêm gánh nợ tiền nhà, khiến người phụ nữ trụ cột trong gia đình mệt mỏi. Nhưng rồi, may mắn khi dịch vụ nấu ăn được nhiều người tin tưởng, ủng hộ, chị gắng sức làm để lo liệu.
“Tôi ham làm lắm! Có ngày nhận 2 -3 đám, tưởng chừng như kiệt sức. Trước mắt là chồng, là con, là nợ nần, trong đầu tôi chỉ biết cố gắng và cố gắng thôi” - chị Tịnh rưng rưng.
Chồng chị mất năm 2014, vượt lên nỗi đau, chị và các con động viên, nương tựa nhau sống. Một mình chị lại miệt mài làm, chi tiêu tiết kiệm, dành dụm. Năm 2016, chị trả hết khoản nợ tiền nhà và tiền thuốc men lo cho chồng.
Với sự cố gắng của mình, chị Tịnh từng bước đưa kinh tế gia đình thêm vững vàng. Đến bây giờ, chị có nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ các vật dụng, lo cho các con có gia đình ổn định.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim, cuối cùng tôi cũng vượt qua những bế tắc để có cuộc sống ấm no. Tôi trân quý những vất vả, khó khăn, vì đó là động lực để tôi vượt qua và hiểu thành quả lao động” - chị Tịnh nói.
Bình An