Nữ cựu chiến binh tiên phong phát triển kinh tế
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Lạc ở tổ dân phố 2, phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) đã tảo tần đầu tư ươm cây giống, đến trồng các loại cây ăn quả, hoa màu trái vụ cho chất lượng, năng suất, sản lượng cao, đáp ứng ra thị trường trong, ngoài tỉnh. Với cách làm này, bà đã làm giàu từ nghề nông.
Bà Lạc quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1985 học hết lớp 12, bà vào bộ đội thuộc Trung đoàn 16 (Quân khu IV), đến năm 1987 ra quân, sau đó đi học và được giữ lại công tác ở Trường Trung cấp Nông lâm tỉnh Bình Định. Đầu năm 1991, nhà trường phân công bà cùng 26 cán bộ, giáo viên lên Kon Tum ươm cây giống cao su, hướng dẫn quy trình trồng cây này cho công nhân Công ty Cao su Kon Tum. Cả đoàn công tác được bố trí ở Nông trường Cao su Ia Chim.
Khi ấy, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, mọi người lần lượt bị sốt rét... “Tôi cũng bị sốt rét hành, từ 57kg giảm chỉ còn 37kg. Theo thời gian, mọi người lặng lẽ rời đi, trụ lại Kon Tum chỉ còn tôi và một nam đồng nghiệp khác” - bà Lạc kể.
|
Năm 1994, bà Lạc lập gia đình và chuyển về sinh sống ở xã Vinh Quang (nay là phường Ngô Mây). Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, hàng ngày, chồng ở nhà làm cỏ, chăm sóc 3 sào lúa quanh nhà, còn bà Lạc thì đi làm công ươm, ghép cây giống cao su cho các nông trường có nhu cầu trồng mới.
Cứ thế, năm 1994-2000, bà Lạc cật lực đi ươm cây giống. Số tiền thu được từ ngày công ươm cây giống này được bà sử dụng mua công cụ lao động, mua giống cao su và thuê 5-7 lao động để tổ chức ươm 200 - 300 cây giống cao su tại vườn nhà bán ra thị trường. Mỗi ngày, bà thu về vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu và tính mỗi năm, gia đình thu nhập 350 - 400 triệu đồng.
Thế nhưng, câu chuyện của bà bỗng chùng xuống. Bà kể, kinh tế gia đình ổn định nhưng vợ chồng vẫn hiếm muộn đường con cái. Vậy là từ năm 2000-2008, vợ chồng gác lại mọi công việc, tiền tích cóp được chỉ dùng để đi khắp nơi kiểm tra sức khỏe, chữa bệnh, sinh con… Mãi đến năm 2010, khi con gái duy nhất cứng cáp, lúc này vợ chồng bà mới quay lại gầy dựng kinh tế gia đình.
Giai đoạn 2010-2013, vẫn bằng sự kiên trì và nghị lực của một người lính, bà đã sử dụng nguồn vốn vài chục triệu đồng ít ỏi còn lại khởi nghiệp lần thứ 3. Bà thuê 15-20 lao động chuyên vào đất từng bì cây giống ghép cao su, phấn đấu mỗi ngày làm được khoảng 1.000 gốc cây giống cao su. Bà tính toán: Tổng chi phí bỏ ra ươm 1 cây giống 5 ngàn đồng, nhưng bán ra thị trường với giá trung bình 15 ngàn đồng, có thời điểm bán đến hơn 30 ngàn đồng, mỗi tháng, gia đình thu lãi gần 400 triệu đồng.
Từ năm 2013, thị trường cây giống cao su bão hòa, bà nghiên cứu, mày mò học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin với nhà nông trên internet tìm hướng đi mới. “Lúc này, tôi nung nấu ý định trồng cây đậu phộng giống hạt đỏ và quả chanh dây, đang được thị trường các tỉnh phía bắc “hút” hàng rất mạnh” - bà giãi bày.
Vậy là cùng với học hỏi về kỹ thuật trồng trọt, gia đình bà Lạc quyết định thuê thêm 1,5ha đất để xuống giống 500 cây ghép chanh dây; đồng thời trồng mới 3 sào đậu phộng ở khuôn viên đất quanh nhà.
Tổng diện tích trên sau 1 năm trồng, chăm bón đúng kỹ thuật đã cho gia đình thu hoạch 6 tạ/3 vụ/năm, đối với diện tích cây đậu phộng; thu hoạch 2 vụ/năm với cây chanh dây. Tổng thu nhập gia đình hơn 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí công cán và phân bón, giống các loại cây trồng trên.
Miệt mài làm nông đến 2015, cho rằng tuổi đã cao, sức khỏe không còn dồi dào như trước, nên vợ chồng bà quyết định chuyển sang đầu tư khoảng 300 gốc cây ăn quả: ổi, bơ, sầu riêng, mãng cầu xiêm và được trồng xen giữa diện tích 3 sào đậu phộng quanh nhà. Vườn cây ăn quả này nay đã có một số loại cho thu nhập lần lượt vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Nhận xét về bà Nguyễn Thị Lạc, ông Đỗ Trung Khoa - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Kon Tum cho rằng, bà Lạc là hội viên điển hình, tiên phong trong trồng nhiều loại cây nông nghiệp cho sản lượng, giá trị kinh tế cao. Không chỉ làm giàu cho mình, bà còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho các hội viên khác...
Mai Trâm