Già A Phor với niềm say mê dựng những cây nêu
Từ lâu đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, trái gió trở trời, những cơn mỏi trận đau hành hạ bất cứ lúc nào; nhưng nhiều năm qua, nơi nào cần làm cây nêu, nhà sàn, nhà rông..., già A Phor chẳng khi nào vắng mặt. Đặc biệt, với già, làm ra những cây nêu “vươn tới trời cao” mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng là đã thỏa niềm say mê, gửi gắm thành tâm ý nguyện.
Sinh năm 1937 ở làng Kon Klor bên dòng Đăk Bla hiền hòa, già A Phor đã lớn lên và trải qua bao thăng trầm cùng những người anh em, bà con cần cù, chịu khó. Gia đình có ông ngoại và cha đẻ đều là những người đàn ông giỏi cồng chiêng, đan lát; nên thuở thiếu thời, cậu bé A Phor đã quen với không khí hội làng của người Ba Na. Tuổi thanh niên, A Phor không chỉ thạo cồng chiêng, mà còn có biệt tài chế tác, biểu diễn đàn T’rưng được người già ngợi khen và đám con gái con trai thán phục. Tuy vậy, say sưa, yêu thích nhất với chàng trai tài hoa, vẫn chính là nhiệt tâm thử sức tham gia làm nhà sàn, nhà rông và đặc biệt là dựng cây nêu truyền thống.
|
Làng Kon Klor bên dòng Đăk Bla lâu nay nổi tiếng với mái nhà rông uy nghi, cao đẹp; đã mấy lần mất đi, dựng lại; nhờ đóng góp không nhỏ của thôn trưởng, già làng A Phor cùng những vị lão niên giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết. Vượt khỏi phạm vi là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng, nhà rông Kon Klor đã trở thành địa điểm được tổ chức những sự kiện văn hóa dân gian của tỉnh, của thành phố và cả tầm khu vực, Quốc gia. Trong những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc ấy, không thể thiếu nét đẹp cây nêu truyền thống mà già A Phor trong vai trò vừa “chỉ đạo thiết kế”, vừa “hướng dẫn thi công”. Bằng khả năng tạo hình và qua đôi tay khéo léo của già A Phor, tất cả các bộ phận cấu thành cây nêu đều trở nên tinh tế, mang dấu ấn riêng.
Theo già A Phor, cây nêu có vị trí đặc trưng trong lễ hội, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Ba Na. Được xem là sợi dây kết nối giữa mặt đất, con người với thần linh và ông bà tổ tiên, cây nêu được dựng lên để cúng Yàng, cúng Thần; thay lời cầu khẩn, tâm nguyện của mọi người gửi tới đấng tối cao làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, sự sống sinh sôi, cho lũ làng khỏe mạnh, bình an, no ấm. Ngày trước, cây nêu được dựng trong các lễ hội lớn, có đâm trâu trang trọng của người Ba Na. Sau này, cây nêu được dùng ở nhiều sự kiện khác trong đời sống cộng đồng, trở nên gần gũi hơn trong sinh hoạt của bà con.
Cũng như làm nhà sàn, nhà rông, cơ sở để dựng cây nêu chính là sự khéo léo, chuyên chăm của những người đàn ông Ba Na giỏi đan lát. Tre nứa, song mây đặc trưng của núi rừng là nguyên liệu chính làm nên cây nêu. Theo già A Phor, để dựng thành một cây nêu, cần chọn những cây tre, cây le hay lồ ô cao 18-20 m, thấp hơn thì cũng 12-15 m, làm trục chính. Tùy theo quy mô lễ hội và không gian tổ chức mà “trục chính” của cây nêu thấp hay cao, dáng dấp to rộng, tầm cỡ hay vừa phải, chừng mực...
Trục chính của cây nêu được phân ra thành nhiều đoạn để trang trí hoa văn và vật biểu trưng (con chim, con cá, con thú, hoa lá...) với màu chủ đạo trắng, đen và những sắc màu sặc sỡ. Thông thường, ngọn cây nêu được gắn hình mặt trời, hình chim được đẽo bằng gỗ. Trên thân cây nêu, người Ba Na ưa gắn những bông hoa gạo được chuốt từ đoạn tre (hay le, nứa) đập dập, xé bông thành chùm trắng tinh, xốp nhẹ. Phần đầu những chùm bông xốp nhẹ thường được nhuộm đỏ, rất bắt mắt. Đáng chú ý, những hàng bông gạo được linh hoạt từ xếp từ một đến hai, ba tầng xen kẽ cho thêm đẹp. Điểm nhấn trang trí cây nêu nằm ở đoạn dưới, cách gốc nêu chừng trên 1m, được kết bằng các ống tre (le, nứa) vững chãi, gắn các hình biểu trưng, và nhiều chiếc cần câu mang theo những miếng nan nhỏ hình vuông vay lục giác, tượng trưng cho những ngôi sao và con cá. Ngoài trục chính cao vút, vững chãi; cấu tạo đặc thù của thân cây nêu đều từ vật liệu nhẹ, nên rất bay bổng; thể hiện sự khoáng đạt, gần gũi trong quan hệ gắn kết, giao hòa giữa trời, đất và nước với nhau và giữa trời, đất và nước với con người.
Gần cả cuộc đời dành cho tình yêu với văn hóa dân gian, nhất là niềm say mê dựng lên những cây nêu uy nghi và đẹp đẽ, già A Phor bảo, theo truyền thống, có điều đặc biệt là chỉ nam giới mới tham gia làm cây nêu. Người nữ không hề góp phần vào bất cứ khâu nào trong quá trình tạo tác.
Cây nêu đẹp và hoành tráng không chỉ là sự tổng hòa từ việc tạo dáng tổng thể đến hình khối, màu sắc; mà quan trọng là sự khéo léo, tinh tế trong từng đường nét đan lát, sắp đặt. Tất cả các hoa văn, vật phẩm trang trí trên cây nêu đều được đan bằng tay một cách khéo léo, tỷ mỉ theo cách đan truyền thống, dân dã. Cây nêu thể hiện rõ nét sự uy nghi, vững chãi, song cũng vô cùng nhẹ nhàng, bay bổng, như chính sự kết hợp giữa sức mạnh và tâm hồn của con người trong đời sống.
Với sự nhiệt tình, tâm huyết và khả năng điêu luyện chế tác cây nêu truyền thống của người Ba Na, già A Phor ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum đã được chọn đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong đợt xét chọn danh hiệu cao quý này của cả nước năm 2018./.
Bài, ảnh: Thanh Như