Đâu chỉ riêng mình
Khởi nghiệp bằng tư vấn kinh doanh, song cái duyên với nghề nông trót mang vào “nghiệp” đã khiến anh Huỳnh Thanh Tú (ở tổ 2, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) - giám đốc Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách dành nhiều tâm trí, công sức tìm tòi, thử nghiệm, cho ra đời sản phẩm “KBV”- thương hiệu nuôi gà bằng dược liệu trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tiên phong tạo ra thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ, cùng với “bảo chứng” sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; hiệu quả và lợi ích mà người cử nhân kinh tế nông nghiệp này mang lại thực sự “đâu chỉ riêng mình”.
Chậm chân một chút nên khi tôi đến nơi thì Tú đã đứng đợi từ lúc nào. Trại gà dược liệu từng nghe qua, giờ mới lần đầu được đặt chân đến và tận mắt chứng kiến. Đó là một khu đất chừng hơn 1 sào được rào dậu cẩn thận, cổng đóng mở kỹ lưỡng nằm bên đường 14 hướng Kon Tum - Gia Lai, thuộc địa bàn thôn 4, xã Hòa Bình, cách thành phố Kon Tum 4km.
Nắng đã lên nhưng công việc chế biến thức ăn đang khẩn trương tiến hành nên chuồng gà thịt còn ồn ã bởi những âm thanh quang quác, rúc, gáy. Riêng đám gà bé, gà choai đã được “ưu tiên” thả ra ăn trước.
Nhanh nhẹn mở cửa, vừa đi hết từ khu chuồng này sang khu chuồng khác, ông chủ trẻ vừa tranh thủ giới thiệu với tôi về trại gà dược liệu, nơi đầu tư tâm huyết và gửi gắm ý nguyện “chưa giống ai” của mình.
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội vào năm 1999, Huỳnh Thanh Tú từ chối cơ hội việc làm đơn giản, nhàn nhã mà không ít sinh viên mới tốt nghiệp mơ ước, chọn cách đi làm thuê cho các doanh nghiệp vốn nhiều áp lực và thử thách.
Sau ba năm vất vả trải nghiệm để “bỏ túi” ít kinh nghiệm thực tiễn, Tú quyết định dấn thân “khởi nghiệp” bằng việc khai sinh một công ty tư vấn kinh doanh nhỏ của riêng mình.
Công việc làm ăn khá ổn định, song dường như chưa bằng lòng với bản thân khi vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tế liên tục được hấp thụ trở thành thứ năng lượng không ngừng chuyển hóa, Tú tiếp tục thử sức trong một số lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác.
Ứng dụng công nghệ sinh học để nuôi gà bằng dược liệu chính là giấc mơ của chàng trai bề ngoài có vẻ yếu ớt song luôn khát khao tìm tòi, khám phá và quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực.
Quả thực, sau 3 năm ấp ủ suy nghĩ, “thai nghén” lý thuyết, âm thầm chuẩn bị các điều kiện cơ bản và 2 năm đầu tư chăn nuôi thử nghiệm; mô hình nuôi gà bằng dược liệu theo quy trình VietGAP với thương hiệu KBV đã được định hình, tự tin góp mặt vào hệ thống chăn nuôi sạch không chỉ của tỉnh Kon Tum mà còn trong cả nước.
KBV là chữ viết tắt của cụm từ “ Khác biệt Việt”. “Đó là mong muốn của tôi cùng với người nông dân sản xuất ra sản phẩm chăn nuôi sạch và chất lượng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu ra nước ngoài với một thương hiệu sản phẩm thịt gà của người Việt Nam” - Huỳnh Thanh Tú chia sẻ.
|
Thực phẩm “bẩn” vì tồn dư kháng sinh trong thịt gà và diễn biến dịch bệnh khó lường của tổng đàn luôn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng, người chăn nuôi gia cầm. Đầu tư nghiên cứu, xây dựng hoàn chỉnh mô hình chăn nuôi gà bằng dược liệu của Tú góp phần trả lời cùng lúc hai vấn đề mang tính “sống còn” của sản phẩm.
Nuôi gà bằng dược liệu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đòi hỏi áp dụng quy trình chăn nuôi tiêu chuẩn VietGAP, theo Quyết định 4653 ngày 10/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tú tuân thủ nghiêm ngặt từ việc lựa chọn địa điểm đầu tư; cách thiết kế chuồng nuôi, vườn thả, hệ thống phụ trợ; đến cách chọn giống và chuẩn bị thức ăn, nước uống, chăm sóc đàn gà; quan tâm vệ sinh thú y, quản lý chất thải…
Để tạo nên sản phẩm thịt gà sạch, ngon, chất lượng và an toàn thực phẩm, sự khác biệt cơ bản trong quá trình chăn nuôi là cùng với nguồn thức ăn chính tinh bột (cám gạo, bắp, mì…) và một ít rau xanh chủ yếu từ tận dụng; còn bổ sung lượng dược liệu nhất định vào thức ăn và nước uống theo khẩu phần hàng ngày của đàn gà.
Chỉ riêng các loại cây dược liệu dùng để nuôi gà, Huỳnh Thanh Tú chia làm 3 nhóm.
Nhóm đầu tiên là nhóm “kháng khuẩn”, có tác dụng chống lại các loại vi khuẩn có thể gây bệnh cho gà. Nhóm này gồm cây kim ngân, sâm đại hành, cây sả, cây gừng, nghệ, tỏi…
Nhóm “bổ dưỡng” có cây đinh lăng, hoàng ngọc, lá dâu... có tác dụng bồi bổ thêm cho gà.
Nhóm thứ ba có tác dụng “tạo mùi”. Điều đặc biệt ở nhóm này là dùng dược liệu cho gà ăn, uống theo mùa. Mùa đông, sử dụng các loại có tác dụng làm “ấm” như sả, gừng... Mùa hạ, dùng cỏ tranh, cây mần trầu, cây lẻ bạn, lá chanh, húng quế… tác dụng “hạ nhiệt”.
Theo quy trình chăn nuôi, các loại cây, lá dược liệu bổ sung làm thức ăn cho gà đều được xay cùng với cám, rau. Nước uống của gà cũng được nấu và pha chế với tỷ lệ thích hợp từ các loại lá và cây dược liệu.
Gắn với sử dụng dược liệu, Huỳnh Thanh Tú còn ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi gà để tạo thành một quy trình kỹ thuật hoàn hảo mang thương hiệu riêng thông qua việc sáng tạo sử dụng men hoạt tính để trộn, ủ thức ăn.
Thức ăn được ủ, trộn bằng cách này không chỉ giúp tiêu hóa tối đa cho gà, mà còn có tác dụng đảm bảo môi trường vì chất thải của gà ra bên ngoài không mùi hôi.
Bên cạnh đó, yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi cũng được tăng cường thêm “nguồn lực” nhờ sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng. Chi phí đầu tư ít mà hiệu quả mang lại rất cao.
Từ kết quả thử nghiệm thành công, đến nay, mô hình nuôi gà bằng dược liệu của Huỳnh Thanh Tú đã được duy trì nuôi mỗi lứa cả ngàn con giống; trong một chu kỳ chăn nuôi 6 tháng, gối đầu 3 lứa. Sản phẩm gà thịt làm ra đến đâu, xuất bán đến đó, nhất là thông qua các đầu mối tiêu thụ ổn định tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
“Đâu chỉ riêng mình”, thương hiệu “KBV” bước đầu đã được chủ nhân của nó chuyển giao mô hình, kỹ thuật chăn nuôi thực tế đến một số bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Trước thềm năm mới 2019, sự quan tâm hợp tác với Hợp tác xã Hợp Thành ở huyện Ngọc Hồi và Hợp tác xã Thanh niên tại thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy… hứa hẹn mang lại những tín hiệu vui.
Năm mới 2019 đã đến. Tạm biệt Huỳnh Thanh Tú cùng những ý tưởng tươi mới và bộn bề công việc để đi đến cùng khát vọng “đâu chỉ riêng mình”. Thấy vui sao bởi như được tiếp thêm nguồn năng lượng, thêm nguồn cảm hứng bình dị mà thật là ý nghĩa. Mong sao, cảm nhận rất riêng này đủ sức trở thành sự lan tỏa hiện hữu đến những người chăn nuôi trách nhiệm và tâm huyết; để chắp cánh cho ước mơ không chỉ của riêng người giám đốc Hợp tác xã Hoàng Bách, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Kon Tum, chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ của tỉnh trở thành hiện thực, góp phần vào sự phát triển và hội nhập từ mảnh đất Bắc Tây Nguyên.
Bài, ảnh: Thanh Như