Bệnh binh Đoàn Văn Thường vượt lên hoàn cảnh
Là bệnh binh hạng 2 với mức độ thương tật 71%, nhưng ông Đoàn Văn Thường (sinh năm 1959) tại thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy không quản ngại khó khăn, luôn ý thức chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Ông là tấm gương điển hình của người lính Cụ Hồ vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Năm 1977, chàng thanh niên Đoàn Văn Thường, quê Quảng Bình lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Tháng 9/1983, ông xuất ngũ trở về quê hương lập gia đình với mức thương tật 71% (bệnh binh hạng 2). Năm 1986, ông cùng gia đình chuyển vào thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy lập nghiệp.
Dẫn chúng tôi ra sau nhà thăm khu vườn với nhiều loại cây ăn quả khác nhau, ông nhanh nhẹn nhặt những trái sầu riêng rụng dưới gốc, vặt vài chùm nhãn đang sai quả, hái vài quả bơ chín cây... Thoáng chốc, chúng tôi đã được ông Thường chiêu đãi các đặc sản cây nhà lá vườn.
Vừa bổ trái sầu riêng, ông Thường vui vẻ nói: Bây giờ cái gì cũng có thể bị ngâm qua hóa chất, vậy nên mình ăn như thế này là đảm bảo nhất. Ban đầu tôi trồng xen canh cây ăn quả, với mục đích tận dụng đất trong vườn để gia đình có trái cây sạch sử dụng. Tuy nhiên, do hợp đất, cây phát triển tốt cho ra quả nhiều. Vậy nên ngoài sử dụng, tôi còn có thể bán. Số tiền thu lại tuy không đáng kể, nhưng cũng đủ để chi tiêu cho gia đình hàng ngày.
Dẫn chúng tôi đi sâu vào trong vườn, ông Thường cho biết: Khu vườn này của tôi rộng gần 4ha. Ngày đầu chân ướt chân ráo đến đây, tôi không biết nên trồng cây gì, thấy người dân ở đây trồng nhiều cà phê nên tôi quyết định trồng thử 200 cây. Ngày đó, tôi sợ nhất là sự thiếu kinh nghiệm, sẽ ảnh hưởng đến vườn cà phê. Vậy nên tôi mày mò, tìm hiểu kiến thức qua ti vi, sách vở, rồi học hỏi các hộ đã trồng cây cà phê lâu năm trên địa bàn. Theo đó, từ 200 cây cà phê ban đầu cho kết quả tốt, tôi đã có nguồn thu và mở rộng thêm vườn cà phê của mình. Hiện tại, vườn cà phê khoảng 1ha. Trung bình mỗi năm vườn cà phê mang đến cho gia đình tôi số tiền trên 60 triệu đồng.
|
Không chỉ dựa vào vườn cà phê, ông Thường bắt tay vào trồng loại cây khác để kiếm thêm thu nhập. Ông dành 2ha đất vườn của mình để trồng cây điều. Tuy nhiên lần này ông Thường đã thất bại, dù đã tìm tòi kiến thức, và kinh nghiệm rất kĩ từ nhiều nguồn.
Bại nhưng không nản, với tinh thần đó, ông Thường thay thế 2ha điều bằng cây cao su. Với sự chăm chỉ, cần cù không nghỉ của ông và gia đình, dần dần thứ “vàng trắng” này đã cho khoản thu mỗi năm khoảng 30 triệu đồng.
Có được thành công với cây cà phê và cao su, ông Thường vẫn không ngừng học hỏi. Thấy mô hình trồng bời lời của một số hộ trên địa bàn, ông tìm hiểu các kĩ thuật chăm sóc loại cây này rồi trồng 1ha. Vườn bời lời phát triển tốt, lần đầu khai thác, gia đình ông đã thu được 20 triệu đồng. Hiện tại lứa bời lời thứ 2 đã được 5 năm, nhưng ông vẫn chưa khai thác.
Hất mái tóc bết mồ hôi, nhấp ngụm trà đặc, ông Thường nhìn xa xăm: Có được ngày hôm nay, tôi cũng đã trải qua không ít khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, mọi thứ với gia đình đều thiếu thốn. Chưa kể ngày ấy, con cái còn nhỏ, vừa lu bu làm kinh tế, vừa chăm sóc con cái cũng là cả một vấn đề. Điều kiện nhà cửa không ổn định, lại là bệnh binh, sức khỏe hạn chế, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể vượt qua được những năm tháng ấy.
Loay hoay với vườn cao su, cà phê cả ngày, ông Thường hầu như không có thời gian rảnh rỗi. Ấy vậy, mỗi khi có một số người đến tham quan và học hỏi mô hình phát triển kinh tế, ông đều niềm nở tiếp đón và hướng dẫn tận tình. “Tôi cũng đã từng trải qua thời gian khởi đầu như vậy, tôi hiểu sự khó khăn và vất vả ấy thế nào. Vậy nên người ta cần gì tôi sẽ giúp” – ông Thường vui vẻ nói.
Từ các loại cây trồng, nguồn thu mỗi năm của gia đình ông vào khoảng 200 triệu đồng. Nhìn lại chặng đường đã đi qua với sự nỗ lực vượt qua bao gian khó đối với một gia đình bệnh binh như ông thật đáng trân trọng.
Tất Thành