Ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Y Hằng cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 16 ngàn hécta cà phê, các loại rau, cây ăn quả sản xuất có ƯDCNC; trong đó có gần 800 ha áp dụng theo các tiêu chuẩn chất lượng: VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate... đạt năng suất và chất lượng cao.
Cụ thể, đối với cây cà phê, cây ăn quả hiện đang áp dụng nhiều tại huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Ia H’Drai, Ngọc Hồi, Kon Plông với công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân, máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; công nghệ sinh học trong việc sử dụng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng.
|
Đối với cây rau, củ, quả, hoa được sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, công nghệ nhà màng, nhà kính, công nghệ tự động hoá trong trồng, chăm sóc; công nghệ thông minh IoT trong sản xuất. Trong việc ứng dụng theo phương pháp này, Ban Quản lý khu nông nghiệp ƯDCNC Măng đen, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ KH&CN tỉnh thực hiện có kết quả khả quan.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay, toàn tỉnh có 142 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín; trong đó, 102 trang trại chăn nuôi heo, 38 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 1 trang trại bò, 1 trang trại chăn nuôi dê quy mô trên 6.000 con tại huyện Kon Plông. Đồng thời, triển khai 34 chuỗi liên kết; trong đó, 22 chuỗi liên kết chăn nuôi heo, 9 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm, 2 chuỗi liên kết thức ăn và 1 chuỗi liên kết nuôi cá.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, toàn tỉnh có 2.342,15ha rừng trồng với 100% giống cây trồng được kiểm soát chất lượng. Trong đó, 1.232,2ha các loài keo lai, bạch đàn trồng năm 2022 được ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống. Theo đánh giá, trồng rừng bằng giống ƯDCNC có năng suất cao hơn so với sản xuất truyền thống gấp 1,75 lần. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông, Kon Rẫy, Ia H'Drai; 3 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam, Innovgreen, Duy Tân); Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà và các hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất có sử dụng giống ƯDCNC.
Trong lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh nuôi trồng theo hướng ƯDCNC khoảng 40ha, chủ yếu tại huyện Đăk Hà, năng suất đạt bình quân khoảng 8 tấn cá/ha/vụ và sản lượng thủy sản đạt khoảng 640 tấn/năm, trong đó chủ yếu là nuôi cá rô phi đơn tính Progift. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ia H’Drai đang tiến hành nuôi thử nghiệm 48 bể cá trên cạn bằng bể nhựa HDPE được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Duy Tân triển khai. Trên địa bàn huyện Kon Plông có 1 hộ đang thực hiện nuôi cá niên để sản xuất giống bằng phương pháp nhân giống vô tính nhằm phục vụ nhu cầu nuôi cá niên thương phẩm trong và ngoài tỉnh.
|
Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến với 29 cơ sở quy mô vừa; trong đó, 8 nhà máy chế biến sắn, 12 nhà máy chế biến cao su, 1 nhà máy chế biến đường mía, 3 cơ sở chế biến cà phê, 2 cơ sở chế biến dược liệu, 2 cơ sở chế biến nước giải khát, 1 nhà máy chế biến trái cây sấy, còn lại chủ yếu vẫn là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, năng lực chế biến nông lâm sản và thủy sản của tỉnh còn hạn chế, chỉ có sắn và mía đường là công suất nhà máy tiêu thụ hết nông sản của nông dân, các nông sản khác chưa tiêu thụ hết.
Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu về thiết kế logo, bao bì nhãn hiệu đối với 8 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ đưa 63.161 hộ sản xuất nông nghiệp, với 876 sản phẩm nông nghiệp lên sàn Thương mại điện tử http://voso.vn; 5.838 hộ sản xuất nông nghiệp, với 110 sản phẩm nông nghiệp lên sàn Thương mại điện tử https://postmart.vn; đưa 658 sản phẩm của 428 doanh nghiệp lên sàn Thương mại tỉnh Kon Tum https://kontumtrade.gov.vn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Y Hằng khẳng định: Việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cấp uỷ và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là người đứng đầu đã thực hiện tốt vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Nông nghiệp đã từng bước thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, qua đó đã khắc phục một phần tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Quy hoạch nông nghiệp, đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC được chú trọng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cũng được quan tâm. Doanh nghiệp, người dân đã chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Nhờ đó, đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, trang trại, tổ hợp tác và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước hoạt động có hiệu quả.
Vĩnh Hà