Tu Mơ Rông: Chú trọng phát triển cây ăn quả
Cùng với cây dược liệu, cà phê thì cây ăn quả đang là loại cây trồng được người dân Tu Mơ Rông tập trung phát triển để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đây cũng là một trong những chủ trương được huyện Tu Mơ Rông chú trọng và khuyến khích phát triển nhằm nâng cao đời sống của người dân.
Tu Mơ Rông là vùng đất có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với không chỉ phát triển các loại cây dược liệu mà còn có thể phát triển các loại cây ăn quả. Chính vì thế, những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp người dân trên địa bàn phát triển các loại cây ăn quả.
Chỉ riêng trong năm 2023, toàn huyện trồng mới được hơn 60ha các loại, trồng chủ yếu trong các rẫy của hộ gia đình. Các loại cây ăn quả được người dân trồng là táo, cam, quýt, dứa, chuối, bơ, tập trung nhiều nhất tại xã Đăk Hà, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tu Mơ Rông, Măng Ri.
|
Trong các xã thì Đăk Hà là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả nhiều nhất huyện. Chỉ riêng trong năm 2023, cả xã Đăk Hà đã trồng mới được hơn 20ha các loại như dứa, táo, dâu tây, cây mận bắc và cây có múi như cam, quýt, bưởi. Năm 2024, xã Đăk Hà tiếp tục phấn đấu trồng mới khoảng 16ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn lên hơn 70ha. Hiện, tại Đăk Hà đã nhiều mô hình cây ăn quả đang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả.
Một trong những mô hình cây ăn quả đang mang lại hiệu quả kinh tế chính là vườn quýt ngọt của ông Trần Văn Thời (thôn Mô Pah). Vườn quýt này được ông Thời trồng trên lưng chừng đèo Măng Rơi. Sau 7 năm trồng, chăm sóc, vườn quýt gần 2 sào với gần 200 cây đã cho quả và được người dân lựa chọn đến trải nghiệm, mua quýt về sử dụng. Hiện, ông Thời đang tiếp tục phát triển diện tích cây quýt này lên khoảng 1ha.
Ngoài mô hình trên, tại xã Đăk Hà cũng có mô hình cây ăn quả đầy triển vọng của HTX Công nghệ cao Đăk Psi. HTX có 10 thành viên và hiện đã phát triển được 15ha cây ăn quả là dứa và táo (giống táo ôn đới).
Theo ông Nguyễn Hoàng Lân- Giám đốc HTX Công nghệ cao Đăk Psi, sau 2 năm trồng, giống táo và dứa rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, một hecta táo có thể cho năng suất từ 20-80 tấn, tùy theo giống, công chăm sóc. Giống táo này tuổi thọ lên đến khoảng 40 năm, một năm cho thu 2 vụ. Trung bình đạt khoảng 40 tấn/ha. Giống táo này đang được bán trên thị trường có giá khá ổn định và luôn cao hơn so với giống táo khác. HTX hiện đã tìm được đầu ra ổn định, hợp đồng tiêu thụ trong nội địa cho giống táo này.
“Hiện tại, HTX đang liên kết với các hộ dân ở 3 làng đồng bào DTTS Kon Bia, Đăk Pờ Trang, Đăk Hà tập trung mở rộng diện tích cây táo, phấn đấu sẽ phát triển lên khoảng 100ha trong thành viên và các hộ liên kết của HTX”- ông Lân cho biết.
|
Cũng theo ông Lân, qua khảo sát trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có các xã thích hợp cho trồng loại táo này là Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Yêu, bởi ở những địa bàn nói trên đảm bảo về độ cao, có nguồn nước ổn định. HTX sẵn sàng hỗ trợ giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc cho hộ đồng bào DTTS liên kết với HTX để phát triển diện tích táo ôn đới.
Ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết, hiện nay mô hình trồng dứa, táo và trồng quýt đã cho thu hoạch và bước đầu cho thấy hiệu quả. Các mô hình trồng được sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Với mục tiêu hướng đến xuất khẩu nên HTX đang đẩy mạnh liên kết với các hộ dân trong vùng để mở rộng diện tích.
“Mô hình trồng dứa rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển trên vùng đất xã Đăk Hà nói riêng và huyện Tu Mơ Rông nói chung. Mặt khác, chăm sóc cây dứa đòi hỏi kỹ thuật không quá cao, nên người dân có thể dễ dàng canh tác. Dự kiến trong thời gian tới, từ nguồn kinh phí của chương trình giảm nghèo, chúng tôi sẽ xin ý kiến huyện để hỗ trợ người dân nhân rộng giống cây dứa trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân, đặc biệt là người đồng bào DTTS từng bước phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”- ông Khoa cho hay.
Tại xã Đăk Na, hiện nay, người dân cũng đang phát triển một số mô hình xen canh cây ăn quả như bơ, mít ghép, chuối xen trong các rẫy cà phê, sâm dây. Trong năm 2023, toàn xã trồng mới được 6ha cây ăn quả và trong năm 2024 tiếp tục phấn đấu nâng tổng tích cây ăn quả trên địa bàn khoảng gần 20ha.
Theo ông Dương Thái Khoa- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, hiện nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn chủ yếu là trồng xen kẽ trong các khu vườn, khu rẫy của người dân, chưa sản xuất trở thành hàng hóa. Huyện tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển cây ăn quả thành các khu vườn tập trung để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân trên địa bàn. Năm 2024, toàn huyện Tu Mơ Rông phấn đấu trồng mới 32ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên gần 380ha.
Phúc Nguyên