Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững
Xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực chủ yếu phát triển kinh tế của tỉnh, hiện nay, các cấp, ngành của tỉnh tập trung cơ cấu lại các ngành công nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những năm qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh ta có những bước phát triển đáng kể, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 26,83% (năm 2020) lên 32,37% (năm 2023) trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 7.150 tỷ đồng (năm 2020) lên 8.991 tỷ đồng (năm 2023). Chỉ số phát triển công nghiệp tăng trưởng đều qua các năm, chẳng hạn năm 2020 là 13,5% đến năm 2023 là 16%. Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế, 8 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 128 doanh nghiệp, 393 cơ sở vào đầu tư sản xuất.
|
Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận, phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh ta chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, đặc biệt là những ngành công nghiệp trọng yếu như công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng. Sản phẩm công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Công tác quy hoạch, đầu tư, hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế; chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn.
Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, nhân công dồi dào, ngành công nghiệp chế biến tiếp tục được ưu tiên phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; trong đó, chú trọng phát triển theo chiều sâu để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm địa phương. Những lĩnh vực được tập trung triển khai chế biến sâu là cao su, cà phê, tinh bột sắn, dược liệu gắn với việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tiến tới hình thành các cụm ngành sản xuất chuyên môn hóa, đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu và bảo vệ môi trường môi trường. Hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh có quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, sản xuất dược liệu, may mặc và các sản phẩm từ gỗ. Mục tiêu phấn đấu, tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp ngành này đạt bình quân 6,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 14-15%/năm.
Đồng thời, tập trung phát triển ngành công nghiệp khai khoáng một cách đồng bộ, hiện đại phù hợp với tiềm năng khoáng sản của tỉnh gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, điều tra và phát triển bền vững; đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.
|
Những năm gần đây, ngành công nghiệp năng lượng có những bước phát triển đáng kể và ngày càng khẳng định đây lĩnh vực thế mạnh của tỉnh với 30 công trình thủy điện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng công suất là 348MW, 14 công trình đang được xây dựng với tổng công suất 181,1MW, 16 công trình đã được lập dự án đầu tư, hoàn thiện thủ tục pháp lý với tổng công suất 142,6MW. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch; 2 dự án nhà máy điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất 153,5 MW.
Để khai thác hiệu quả lợi thế, đưa ngành này phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Sở Công thương đang tích cực triển khai phương án tái cơ cấu các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý; ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời. Chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, bền vững đạt trình độ tiên tiến, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đi đôi với xuất, nhập khẩu năng lượng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, ngành năng lượng điện thương phẩm đạt 1.638 triệu kWh, đến năm 2035 khoảng 2.790 triệu kWh và năm 2045 ước tính khoảng 4.545 triệu kWh; điện thương phẩm bình quân/người là 3.857 (kWh/người) và năm 2045 là khoảng 4.200 (kWh/người); khai thác, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 10% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng bền vững, hình thành các cụm liên kết ngành có sự kết nối và hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với phát triển các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, ưu tiên lựa chọn một số địa phương, khu vực có điều kiện phát triển kinh tế như thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y làm động lực tăng trưởng và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp toàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất công nghiệp là yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững hiện nay. Mục tiêu tỉnh ta phấn đấu đến năm 2030, Kon Tum trở thành địa phương có nền công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trung bình của cả nước.
Thiên Hương