Sa Thầy: Hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế
Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy ngày càng được nâng cao. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, tích cực thi đua sản xuất, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Có dịp về làng Lung (xã Ya Xiêr), chúng tôi hỏi thăm nhà anh A Han Tơ (25 tuổi) thì mọi người đều biết đến anh và kể về anh với niềm tự hào về chàng thanh niên trẻ cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, là tấm gương tiêu biểu về tinh thần nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững của địa phương.
Lấy vợ từ rất sớm (vào năm 18 tuổi), với sự hỗ trợ từ gia đình, người thân và chính quyền địa phương, A Han Tơ nỗ lực vượt khó, hăng say lao động để vươn lên thoát nghèo vào đầu năm 2023.
Trong căn nhà cấp 4 khang trang, A Han Tơ niềm nở tiếp đón chúng tôi, anh “khoe” căn nhà được xây dựng chính bằng những gì vợ chồng anh làm lụng, tích lũy được trong những năm qua và không ngần ngại chia sẻ về khoảng thời gian kinh tế gia đình khó khăn mà vợ chồng anh đã trải qua.
|
Anh A Han Tơ cho biết: Khi mới lập gia đình, vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Với nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng mì và cạo mủ cao su thuê không đủ trang trải cuộc sống. Sau thời gian trăn trở, được sự hỗ trợ của người thân, chính quyền địa phương, tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư mua đất rẫy để sản xuất và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước mở rộng diện tích sản xuất để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, được xã Ya Xiêr hỗ trợ con bò cái sinh sản cùng 105 cây giống sầu riêng, tôi cố gắng chăm sóc tốt. Hiện bò cái đã đẻ được 3 con; sầu riêng lớn nhanh theo quy trình chăm sóc hiện đại. Những thành quả bước đầu làm tôi vui lắm, có thêm động lực để cố gắng trong sản xuất, chăn nuôi.
Tương tự, với sự năng động, “dám nghĩ, dám làm” của thế hệ trẻ trong sản xuất, anh A Nun (29 tuổi) ở làng Lung (xã Ya Xiêr) cũng đã vươn lên thoát nghèo vào đầu năm 2023. Giờ đây, khi cuộc sống ổn định, anh tích cực giúp đỡ các thanh niên trong thôn học hỏi mô hình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Anh A Nun bộc bạch: Được chính quyền và các đoàn thể của địa phương khuyến khích, động viên, hướng dẫn trong sản xuất và tạo điều kiện hỗ trợ bò cái sinh sản, con lươn giống, sầu riêng giống, vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng lao động sản xuất và chăn nuôi để không phụ sự tin tưởng, kỳ vọng của mọi người. Nhờ vậy, đến nay, bò giống vợ chồng tôi nuôi sinh trưởng tốt, mô hình lươn phát triển hiệu quả với trên 3.000 con. Ngoài ra vợ chồng tôi tích cực cải tạo vườn tạp, trồng sầu riêng, cao su từng bước mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Hiện nay, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy chiếm tỷ lệ trên 57% dân số toàn huyện. Chính vì vậy, những năm qua, huyện Sa Thầy xác định công tác hỗ trợ người dân vùng DTTS phát triển kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn.
|
Ông Nguyễn Đăng Bảo- Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sa Thầy cho biết: Thời gian qua, huyện Sa Thầy huy động, lồng ghép tối đa các nguồn lực từ các chương trình, đề án liên quan đến phát triển vùng DTTS để tạo cơ sở hạ tầng thuận lợi, hỗ trợ dân sinh, khuyến khích người dân trên địa bàn tích cực lao động sản xuất hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi tư duy, nếp nghĩ cách làm, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.
Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay huyện Sa Thầy tiến hành hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 57 lượt hộ; chuyển đổi nghề cho 264 hộ; hỗ trợ 2 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 335 hộ; triển khai quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, hỗ trợ 40 hộ ổn định tập trung, 310 hộ ổn định tại chỗ; hỗ trợ rừng sản xuất gần 160ha cho trên 100 hộ; 17 dự án phát triển sản xuất cộng đồng cho 360 hộ; đầu tư 51 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, cải tạo, nâng cấp 1 chợ, xây dựng 6 điểm truy cập internet tại các xã vùng DTTS.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Sa Thầy luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, văn hóa- xã hội và đào tạo nghề trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Trong đó, đã đầu tư cơ sở vật chất 2 trường có học sinh bán trú vùng đặc biệt khó khăn; mở 18 lớp xoá mù cho 514 người dân vùng DTTS; tổ chức 30 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 776 học viên; mở 20 lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho 799 lượt người dân vùng DTTS; hỗ trợ 8 đội văn nghệ cho 8 thôn vùng đồng bào DTTS; đầu tư sửa chữa 6 thiết chế văn hoá tại 6 xã vùng DTTS; xây dựng và nhân rộng 36 mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; cấp phát 343 ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Thời gian tới, huyện Sa Thầy tiếp tục khắc phục một số khó khăn, tồn tại, mở rộng đối tượng thụ hưởng, nội dung thực hiện một số dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS&MN để hỗ trợ người dân hiệu quả. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và nâng cao đời sống kinh tế của người dân.
Hoàng Thanh