Quyết liệt ứng phó với khô hạn, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất
Trước tình hình thời tiết khô hạn kéo dài, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp ứng phó, đồng hành cùng người dân vượt qua hạn hán.
Ông Đặng Trần Huân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết: Ngành Nông nghiệp đã kích hoạt nhiều giải pháp ứng phó như hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức xuống giống gieo trồng vụ Đông-Xuân sớm hơn so với các năm trước, đặc biệt là với hơn 7.200ha lúa; triển khai các biện pháp tích trữ, điều tiết nguồn nước nhằm đảm bảo lượng nước tưới hợp lý cho cây trồng. Đến nay, đa số diện tích lúa đã bước vào giai đoạn chín và bắt đầu cho thu hoạch nên không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn hán, nhưng diện tích cà phê vẫn rất đáng lo ngại, một số vùng trồng cà phê trọng điểm của tỉnh như huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum bị thiếu nước tưới nghiêm trọng; nhiều diện tích cà phê héo úa, cháy lá, ảnh hướng đến năng suất, sản lượng cà phê.
|
Theo ông Đặng Trần Huân, thông thường các năm trước, người trồng cà phê chỉ cần tưới đến đợt 4 là đã có mưa, nhưng năm nay, nhiều nơi nông dân đã phải tưới đến đợt 5, thậm chí, một số diện tích cà phê tái canh phải tưới đến đợt 6, đợt 7. Thế nên, hầu hết những vùng sản xuất nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi hoặc ở cuối khu tưới, sử dụng nước tưới tự nhiên từ khe suối, ao, hồ nhỏ không đảm bảo được nguồn nước dẫn đến việc cây trồng bị hạn.
Theo số liệu thống kê của các địa phương, hiện nay, diện tích sản xuất bị khô hạn, thiếu nước khoảng 112ha. Trong đó, thành phố Kon Tum 28,75ha; huyện Đăk Hà 83,3ha, chủ yếu là cà phê. Những ngày gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh tuy đã có mưa “giải nhiệt”, nhưng nguy cơ hạn hán vẫn chưa chấm dứt và chúng ta không được chủ quan.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh, thời tiết nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục hoạt động mạnh nên khu vực các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum vẫn chịu nhiều ảnh hưởng.
Trong khi đó, là lượng nước trong các hồ thủy lợi, thủy điện còn lại rất thấp. Cụ thể, hồ Đăk Uy dung tích còn khoảng 5,29%; hồ Đăk Yên dung tích còn khoảng 15,69%; hồ Ia Bang Thượng dung tích còn khoảng 2,11%; các hồ chứa nhỏ chỉ còn lại phần dung tích chết như hồ Cà Tiên, Tân Điền, hồ 6A, 6B, Hồ C2, C3. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trên diện rộng, tác động đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
|
Theo ông Đặng Trần Huân, Sở đã phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra thường xuyên tình hình thực tế, chỉ đạo các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, cống lấy nước đầu mối, tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tưới cuối khu tưới. Tăng cường công tác điều tiết nguồn nước, triển khai tốt các biện pháp tưới luân phiên, tưới tiết kiệm, đặc biệt là các công trình có đầu mối là hồ chứa để tiết kiệm nước. Tiếp tục vận động nhân dân nạo vét, tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao, hồ để bơm tưới cho các khu vực hạn; chia sẻ nguồn nước, hỗ trợ nhau về máy móc, vật tư phục vụ bơm tưới để cứu cây trồng.
“Tại những khu vực đang xảy ra thiếu nước nghiêm trọng, để giảm thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người nông dân, nhất là người trồng cà phê thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm hết mức để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng kết hợp với việc tủ gốc, giữ ẩm cho cây, hạn chế thất thoát lượng nước do bốc hơi, tránh không để chết vườn cây, sau đó, khi điều kiện thuận lợi tiếp tục chăm sóc, phục hồi vườn cây”- ông Đặng Trần Huân nhấn mạnh.
Thùy Hương