Phục hồi phát triển kinh tế nhìn từ vốn đầu tư công
Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh tập trung triển khai một số giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt ngay từ đầu năm 2023.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, tính đến ngày 31/1/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng 2.749,84 tỷ đồng, đạt khoảng 92% kế hoạch vốn Trung ương giao năm 2022. Trong đó, một số dự án thuộc lĩnh vực hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt tỷ lệ rất cao như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản đạt 100%; giao thông đạt khoảng 99%. Tỷ lệ giải ngân thấp là đối với nguồn vốn ngân sách trung ương chủ yếu do nguồn vốn được giao bổ sung như: Nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 53,26%; nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 76,4%; các dự án ODA giải ngân theo cơ chế của nhà tài trợ chỉ đạt 43%.
|
Tỉnh ta cũng xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan để rút kinh nghiệm nhằm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được tốt hơn nhằm góp phần phục hồi việc phát triển kinh tế. Và được biết, tổng kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 được Trung ương giao cho tỉnh là 3.587,15 tỷ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách địa phương là 1.086,23 tỷ đồng và ngân sách trung ương là 2.500,92 tỷ đồng. Qua rà soát tình hình thực tế các nguồn thu, địa phương giao Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 4.712,60 tỷ đồng (nguồn ngân sách địa phương là 2.211,678 tỷ đồng và nguồn ngân sách trung ương là 2.500,92 tỷ đồng). Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thực hiện phân bổ 4.176,85 tỷ đồng.
Cùng với đó, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ. Đầu năm 2023, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng bằng 2% so với dư nợ của một số chương trình tín dụng tại thời điểm 31/12/2022. Tỉnh Kon Tum có 03 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có 2 dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư và được giao kế hoạch vốn thực hiện khởi công mới năm 2023. Ngoài ra, trong năm 2022, tỉnh được bổ sung 108,29 tỷ đồng từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để bố trí cho các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương.
Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh tập trung triển khai một số giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt ngay từ đầu năm như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.
Đồng thời rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chuẩn bị mọi điều kiện để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Tỉnh cũng xác định việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công.
Văn Nhiên