Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực khuyến khích người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mục tiêu này trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn.
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 25/11/2021) về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 05-NQ/TU, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung thực hiện.
|
Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành của tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất; lựa chọn cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và phù hợp với điều kiện địa phương, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, các ngành chức năng tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh có 16.878,7ha cây trồng các loại có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng được 7 cánh đồng lớn theo mô hình liên kết sản xuất; 102 trang trại chăn nuôi và khoảng 40 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao. Bước đầu đã hình thành được một số khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả cao hơn cho người sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi người dân còn bị ảnh hưởng kiểu sản xuất truyền thống, chưa có kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao dẫn đến sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành nhiều các vùng sản xuất tập trung, mức độ đầu tư, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi diễn ra chậm; ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Vì vậy, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất ra trên thị trường còn thấp.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cơ sở vật chất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tương đối lớn, cùng với yêu cầu cao về trình độ nguồn nhân lực là rào cản lớn trong việc triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất.
|
Bởi vậy, hiện nay, các công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức độ vừa phải như công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân, máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; công nghệ sinh học trong việc sử dụng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, sản xuất trong nhà màng, nhà kính và tập trung chủ yếu ở một số loại cây trồng như cà phê, cây ăn quả, rau hoa. Trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu sử dụng công nghệ giống mới, chế phẩm sinh học, máy quạt nước và tập trung chủ yếu ở huyện Đăk Hà.
Việc thành lập và công nhận các khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm do những khó khăn trong thực hiện tiêu chí về quy mô sản xuất liền vùng, liền thửa.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới hình thành được 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông với 24 doanh nghiệp và huyện Đăk Hà với 6 doanh nghiệp tham gia. Toàn tỉnh cũng chỉ có 2 doanh nghiệp được công nhận đạt các tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn yếu, nhiều sản phẩm được sản xuất theo quy trình chất lượng cao, nhưng vẫn chưa chú ý đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GloBalGAP, hữu cơ. Công nghiệp chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch chưa cao, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế; hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu.
Có thể thấy, với những lợi thế về đất đai, khí hậu, tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc quan tâm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản của tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thiên Hương