Phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn “dậm chân tại chỗ”
Xác định công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn; những năm qua, tỉnh ta triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh ta vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.
|
Công nghiệp hỗ trợ được hiểu là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ; coi đây là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư.
Vì vậy, trên cơ sở những nhiệm vụ, mục tiêu của Chính phủ và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thời gian qua, tỉnh ta triển khai xây dựng kế hoạch và ban hành nhiều chính sách, văn bản để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, ngày 17/5/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1281/KH-UBND về việc triển khai Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg (ngày 3/4/2017) của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Ngày 4/12/2018, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 3400/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019- 2025.
|
Mục tiêu tỉnh ta đề ra là phấn đấu đến năm 2020 hình thành các cơ sở công nghiệp hỗ trợ và đến năm 2025 đáp ứng khoảng 10% nhu cầu cho sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm gồm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may- da giày; linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa- cao su và linh kiện phụ tùng điện- điện tử; sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, năm 2020, UBND tỉnh có Kế hoạch số 4525/KH-UBND (ngày 7/12/2020) về “định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để đưa ngành công nghiệp phát triển, nâng cao giá trị, tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, trong đó có lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Thời gian qua, Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Từ năm 2020- 2022, ngân sách tỉnh đã bố trí 152 triệu đồng cho công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lĩnh vực này và cả những chính sách ưu đãi khi tiến hành đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Công thương, dù có nhiều chính sách thu hút cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi nhà đầu tư, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có doanh nghiệp nào tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh ta vẫn đang “dậm chân tại chỗ” sau nhiều năm triển khai thực hiện.
Trên thực tế, nhiều “cái khó” đang “bó cái khôn” khiến mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh không đạt được kết quả như mong muốn. Đó là, do tỉnh ta nằm cách xa các vùng kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và chưa đồng bộ, chưa có các nhà máy công nghiệp lớn sản xuất theo chuỗi sản phẩm, nên các nhà đầu tư không mặn mà tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của các nội dung hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh nên vẫn còn đắn đo, e ngại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, nguồn lực và công nghệ…đều không đáp ứng được các điều kiện cần thiết để tham gia sản xuất trong các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, ngành Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp để từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục kêu gọi, vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này; tăng cường tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đăng ký thương hiệu, tìm kiếm phát triển thị trường; ưu tiên hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp tham gia sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong nước và một số tỉnh Nam Lào. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và đưa vào vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.
Hy vọng, với những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh, nhất là ngành Công thương, thời gian tới, lĩnh vực công nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ có sự chuyển biến, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển.
Thiên Hương