Nông dân Đăk Ui “thử sức” với cây mắc ca
Trên những diện tích đất trồng mì đã bạc màu, cây công nghiệp kém hiệu quả, người dân xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) đang mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mắc ca. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm đa dạng hóa cây trồng, mở hướng thoát nghèo và làm giàu cho người dân.
Băng qua những con dốc trơn trượt, vượt qua thêm 2 con suối, chúng tôi mới tới được khu rẫy hơn 1ha trồng mắc ca của nhà A Phơ (thôn 5, xã Đăk Ui). Dù mới trồng chưa được 1 tháng, nhưng hầu hết cây mắc ca đã bén rễ và phát triển khá đều.
|
A Phơ chia sẻ: Lâu nay, mình chỉ quen với cây mì, lúa rẫy, nhưng đất canh tác lâu nên thoái hóa, hiệu quả kinh tế thấp. Vừa rồi, nghe chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chuyển sang trồng mắc ca nên mình đăng ký trồng hơn 1ha. Nhờ được chính quyền hỗ trợ giống cây chất lượng, đơn vị cung ứng giống và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật đào hố, trồng cây, bón phân kỹ càng, nên mọi việc ban đầu khá thuận lợi. Để tận dụng quỹ đất, tăng thêm thu nhập, một phần diện tích mình còn trồng xen gừng.
Cũng như A Phơ, năm nay, A Hiệp (làng Wang Hra) mạnh dạn “thử sức” với cây mắc ca.
A Hiệp cho biết: Qua phổ biến của chính quyền xã và tìm hiểu thông tin trên báo, đài, mình được biết, ở nhiều nơi, người dân trồng mắc ca rất hiệu quả, cho thu nhập cao. Vì thế, ngay khi có chương trình khuyến nông hỗ trợ cây giống, phân bón mình đã đăng ký trồng 1ha. Mình hy vọng, 4- 5 năm nữa, vườn mắc ca sẽ giúp gia đình mình cải thiện thu nhập. Trong thời gian này nhà mình vẫn duy trì làm 2ha mì, 1ha cà phê, 3 sào ruộng nước, cùng với chăn nuôi bò, dê để đảm bảo cuộc sống. Sang năm có điều kiện mình sẽ tiếp tục đầu tư chuyển một phần diện tích trổng mì sang trồng mắc ca.
|
Thực hiện chủ trương trồng và phát triển mắc ca, nhằm giúp nhân dân, nhất là người DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất nông nghiệp một cách khoa học để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Đăk Ui đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang trồng mắc ca.
Ông Đinh Thư- Chủ tịch UBND xã Đăk Ui cho biết: Mắc ca là loại cây lâm nghiệp đa mục đích, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng, đồng thời, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc. Vì vậy, từ năm 2021, chính quyền xã Đăk Ui đã chủ động rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp, đất trồng cây ngắn ngày, cây công nghiệp kém hiệu quả vận động người dân đầu tư trồng mắc ca nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập trong tương lai và từng bước cải thiện môi trường sinh thái. Mặc dù đây là loại cây trồng mới, nhưng không mấy xa lạ với người dân ở địa phương, vì trong thời gian qua, nhiều hộ đã tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực tế ở một số nơi, nên khi xã triển khai chủ trương này thì nhận được sự đồng thuận khá cao của người dân.
Năm 2021 xã Đăk Ui trồng được 20ha mắc ca và năm 2022 dự kiến trồng trên 50ha. Đối với những hộ có diện tích đất sản xuất lớn, chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp huyện Đăk Hà hướng dẫn người dân trồng tập trung, còn những hộ đất canh tác ít thì trước mắt trồng xen canh với một số loại cây công nghiệp và cây ngắn ngày khác để không bị hẫng hụt nguồn thu, sau khi cây khép tán thì mới phá bỏ các cây trồng cũ.
Để khích lệ và tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập, trao đổi kiến thức, kỹ thuật, trong năm 2022, từ nguồn vốn của chương trình khuyến nông, huyện Đăk Hà tiến hành hỗ trợ xã Đăk Ui xây dựng mô hình điểm trồng 5ha mắc ca. Trên cơ sở đăng ký, bình xét của các thôn, xã lựa chọn 5 hộ tham gia và tiến hành hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để các hộ trồng.
Bên cạnh đó, xã Đăk Ui cũng phối hợp các đơn vị cung ứng giống tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo về kỹ thuật canh tác cây mắc ca, phổ biến về chính sách và hướng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm sau này.
Theo ông Đinh Thư, để hạn chế rủi ro cho người dân, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ chủ trương phát triển cây mắc ca của tỉnh, huyện; chính quyền xã Đăk Ui chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán giống cây trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chọn mua cây giống ở những cơ sở có uy tín, có địa chỉ rõ ràng và có cam kết về mặt chất lượng; không mua cây giống trôi nổi, bán dạo. Thời gian tới, UBND xã Đăk Ui sẽ làm việc với các doanh nghiệp để triển khai xây dựng chuỗi kết nối sản xuất và tiêu thụ nhằm đảm bảo ổn định đầu ra khi người dân có sản phẩm.
Việc tập trung phát triển các loại cây trồng có triển vọng kinh tế cao như mắc ca của xã Đăk Ui là hướng đi mới, phù hợp với chủ trương chung của tỉnh. Tất nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều việc phải làm, nhưng với khởi đầu thuận lợi, tin tưởng rằng kế hoạch phát triển cây mắc ca trên vùng đất Đăk Ui sẽ thành công, từ đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn.
Thiên Hương