Những cung đường mùa xuân
Những ngôi nhà mọc san sát, những chuyến xe tấp nập chở hàng hóa bon bon trên những con đường mới mang mùa Xuân về trên các thôn làng với bao niềm tin và hy vọng. Những con đường không chỉ tăng cường sự kết nối, rút ngắn giữa các vùng miền mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Khơi thông huyết mạch giao thông
Khoảng 30 năm về trước, Kon Tum như một “ốc đảo” với duy nhất tuyến Quốc lộ 14. Hạ tầng giao thông chỉ có vài trăm kilomet chủ yếu là đường đất khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Hàng hóa nông sản người dân làm ra không bán được, vì thế, cái nghèo cứ bám dai dẳng. nhọc nhằn ấy cũng đồng nghĩa với sự chậm phát triển bởi “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông.
Thấu hiểu những khó khăn vất vả ấy, xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng và là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển, vì vậy, việc mở “nút thắt”, khơi thông huyết mạch giao thông luôn được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đặt ra trong suốt những nhiệm kỳ qua. Trong các chủ trương kế hoạch, định hướng, tỉnh ta luôn xác định muốn phát triển thì phải đầu tư hệ thống giao thông đi trước. Cho nên, qua các thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta đã luôn quan tâm, chỉ đạo và tận dụng, tranh thủ nguồn lực đầu tư của trung ương và ưu tiên bố trí các nguồn vốn, huy động các nguồn lực tập trung đầu tư cho cải thiện hạ tầng giao thông một cách đồng bộ. Điều đáng mừng là các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên tổ chức các đoàn đi khảo sát các tuyến đường huyết mạch liên tỉnh, liên vùng để đề ra những quyết sách, tranh thủ sự quan tâm của trung ương và kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực hợp lý, khơi mạch nguồn giao thông.
|
Theo ông Phan Mười- Giám đốc Sở GT-VT, xác định tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua, Kon Tum đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng như: Đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh đến Kon Tum, tuyến tránh thành phố Kon Tum, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40, Quốc lộ 40B, các Tỉnh lộ 671, 675, đường tái định cư thuỷ điện Plei Krông và nhiều tuyến đường huyện, đường xã.
Đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh ta đã hoàn toàn thay đổi, mở rộng hơn, vươn xa hơn với hàng loạt dự án trọng điểm được triển khai. Trong đó, phải kể đến các tuyến như đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh nối liền ba huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông; đường Nam Quảng Nam nối thông tỉnh ta với Quảng Nam qua huyện Tu Mơ Rông; đường Đăk Kôi- Đăk Pxi nối huyện Đăk Hà với huyện Kon Rẫy; Quốc lộ 14C nối từ huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy với tỉnh Gia Lai; đường Trường Sơn Đông đi qua 17 huyện, thành phố của 7 tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên (trong đó có tỉnh ta)... được coi là bước đột phá trong phát triển giao thông nông thôn của tỉnh, tạo nên vành đai giao thông liên hoàn.
Việc đầu tư hạ tầng giao thông nói trên đã tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giúp đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng tỉnh ta nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung.
Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có vài trăm kilomet thì đến nay, tỉnh ta đã phát triển được gần 6.200 km đường giao thông, trong đó, có 6 quốc lộ dài hơn 522km, tỉnh lộ dài hơn 525km; đường huyện có 944,7 km, còn lại là đường xã. Con số này không phải ngẫu nhiên mà có, đó là cả sự quyết tâm đầu tư của tỉnh, cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nhân ngành Giao thông vận tải trong những năm qua.
“Những tuyến đường nói trên tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước, có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Ngoài ra, hệ thống giao thông nông thôn trong tỉnh có bước phát triển mạnh với hơn 1.500km tuyến đường xã, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế. Những tuyến đường đó, không những góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh mà còn góp phần quan trọng vào từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông trong tỉnh ta”- ông Phan Mười cho hay.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Những năm trước đây, khi Quốc lộ 24 chưa được sửa chữa, mở rộng lượng khách du lịch đến với Măng Đen không nhiều bởi giao thông đi lại khó khăn. Nhưng kể từ khi Quốc lộ 24 được nâng cấp mở rộng, giao thông thuận lợi, lượng khách du lịch đến với Măng Đen tăng mạnh. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và còn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.
Triển vọng những cung đường tương lai
Theo ông Phan Mười tỉnh ta chưa có dự án cao tốc để thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế - xã hội của tỉnh, kết nối tỉnh Kon Tum và các tỉnh trong khu vực, với các trung tâm, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, do đó, mới đây, trong dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào thăm và làm việc với tỉnh, tỉnh ta đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đồng ý bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum có chiều dài hơn 135 km, có điểm đầu (Km0+000), giao với cao tốc Bắc Nam phía Đông thuộc địa phận thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, điểm cuối giao với cao tốc Bắc Nam phía Tây thuộc địa phận thành phố Kon Tum. Sau này, cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được đầu tư xây dựng sẽ hình thành tuyến đường bộ tốc độ cao, ngắn nhất, thuận lợi nhất cho các phương tiện giao thông, kết nối tỉnh Kon Tum với Quảng Ngãi, đồng thời, tạo động lực phát triển hành lang kinh tế Bờ Y - Kon Tum - Măng Đen - Quảng Ngãi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các địa phương.
Ông Đặng Quang Hà- Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, địa phương đã tập trung phát triển du lịch Măng Đen và đang đầu tư vào du lịch nông nghiệp, thế nhưng, cái khó vẫn là con đường huyết mạch từ Quảng Ngãi lên. Nếu có cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, Măng Đen sẽ là “cái túi” đón khách ở duyên hải miền Trung. Đó là chưa kể, người Hà Nội và miền Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam, đáp máy bay về sân bay Chu Lai, trưa thưởng thức hải sản, ngắm biển lung linh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến chiều, chỉ cần chưa đến 2 tiếng đồng hồ là ngược ngàn đến với Măng Đen thơ mộng, ngủ vùi một giấc giữa rừng thông xanh rì rào.
Cùng với tuyến cao tốc nói trên, tỉnh ta cũng đã đề nghị gửi cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung tuyến cao tốc đoạn Bờ Y - Ngọc Hồi vào Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam và cho chủ trương triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) đến Pleiku (Gia Lai) theo hình thức BOT. Dự kiến, tuyến đường cao tốc Bờ Y-Ngọc Hồi-Pleiku có chiều dài 111 km và nếu được đầu tư, đường có vận tốc thiết kế 100 km/giờ; bề rộng mặt đường 22,5 m, với 6 làn xe.
Việc đưa đoạn tuyến này vào quy hoạch là cơ sở triển khai đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa Việt Nam -Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Ngọc Hồi - Phu Cưa, Attapư. Đặc biệt, khi tuyến đường được xây dựng sẽ góp phần thuận lợi cho phương tiện và hàng hóa vận chuyển từ các nước Thái Lan, Myanmar, Lào về Việt Nam thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ thuộc hành lang kinh tế Đông-Tây phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các nước thuộc cộng đồng kinh tế ASEAN mở ra triển vọng lớn đối với sự phát triển của tỉnh ta và các tỉnh trong khu vực.
Việc hạ tầng giao thông được đầu tư từng bước hoàn thiện và những cung đường mới tương lai là những tuyến cao tốc sau này được đầu tư không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ mà còn là động lực, tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh ta phát triển nhanh hơn, đời sống người dân ngày càng được nâng cao./.
Phúc Nguyên